Thứ tư, 17/04/2024 03:04 (GMT+7)

Công nghệ xử lý chất thải rắn tại Đà Nẵng: Những bước đi đầu tiên

MTĐT -  Thứ năm, 02/07/2015 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn)- Xử lý chất thải rắn (CTR) đô thị tại Đà Nẵng trong thời gian qua chủ yếu sử dụng phương thức chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn và sản xuất phân vi sinh được áp dụng cho vùng nông thôn. Việc thu gom, xử lý CTR đảm bảo môi trường luôn là vấn đề cấp bách, làm đau đầu cho các cấp chính quyền thành phố,nhất là trong bối cảnh Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành thành phố môi trường vào năm 2020.

Vấn đề này bước đầu đã được giải quyết khi Công ty CP Môi trường Việt Nam đã chính thức khánh thành nhà xử lý chất thải rắn bằng công nghệ không chôn lấp đầu tiên tại Việt Nam. Từ CTR có thể sản xuất ra những sản phẩm nhiên liệu tái tạo mà không gây ô nhiễm thứ cấp ra môi trường.

Biến rác thành dầu

Lượng rác thải đô thị của toàn thành phố liên tục tăng lên qua các năm. Nếu như năm 2007 lượng rác thải được thu gom trung bình trên 252,422 tấn/ngày đến năm 2014 lượng rác thải thu gom trên 700 tấn/ngày. Trong năm 2014, tại đây đã thu gom và tiếp nhận gần 300 ngàn tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị, hơn 4 ngàn tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 2 ngàn tấn chất thải rắn y tế.

Bãi rác Khánh Sơn cũ xử lý theo công nghệ chôn lấp với diện tích 9,8ha đã đóng cửa vào năm 2006 sau 15 năm hoạt động. Bãi rác Khánh Sơn 2 được đưa vào sử dụng năm 2007, theo thiết kế với gồm 5 hộc cao 36m sức chứa khoảng 1,5 triệu tấn rác, thời gian lấp đầy là 13 năm, đến năm 2020 sẽ đầy buộc phải đóng cửa.

Công nghệ chôn lấp, hay sản xuất phân vi sinh vẫn không đáp ứng được yêu cầu ngày càng gia tăng khối lượng rác thải tại Đà Nẵng, dự báo trước năm 2019 bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy. Nếu không có một nhà máy hiện đại xử lý CTR đô thị, Đà Nẵng phải mở một bãi chôn lấp mới tốn kém diện tích lớn.

Việc lựa chọn công nghệ xử lý CTR một cách hợp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường.Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết: Nguồn đất dự trữ để xây dựng bãi rác chôn lấp trong tương lai sẽ không khả thi. Trong nhiều năm qua Đà Nẵng đã tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia. Đã có hơn 50 dự án được nghiên cứu, khảo sát nhưng vẫn không đáp ứng được với nhiều lý do vì công nghệ, vì giá thành, vì vốn đầu tư lớn…Công nghệ xử lý CTR của Công ty CP Môi trường Việt Nam được lựa chọn. Công nghệ này xử lý triệt để 100% CTR không cần chôn lấp có thể tái chế toàn bộ CTR thành sản phẩm sử dụng mà không gây ô nhiễm thứ cấp ra môi trường. Bước đầu giải quyết được bài toán về xử lý CTR của Đà Nẵng.


Nilon được xử lý đưa vào nhiệt phân crackinh để sản xuất ra dầu PO, RO và FO.

Theo đó, công nghệ này được Công ty CP Môi trường Việt Nam chế tạo và lắp đặt lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Một số rác thải khác như rác hữu cơ, đất đá, xà bần, chai lọ thủy tin sẽ được phân loại trên dây chuyền. Các rác thải như nilon sẽ được đưa vào dây chuyền nhiệt phân crackinh để sản xuất ra dầu PO, RO và FOdùng trong nhà máy sản xuất công nghiệp. Dây chuyền có thể tiêu thụ 10 tấn nilon/ ngày. Từ 10 tấn nilon sẽ cho ra hơn 9 tấn dầu PO. Giai đoạn 2 công suất có thể được nâng lên khoảng 50 tấn nilon/ ngày.

So với một số loại sản phẩm dầu PO, RO khác đang được kinh doanh trên thị trường, sản phẩm dầu PO và RO sản xuất tại Nhà máy Khánh Sơn có giá thấp hơn từ 10-15%. Chất lượng sản phẩm được kiểm định đạt theo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam.

Một số rác thải khác như rác hữu cơ sẽ đưa vào dây chuyền nung yếm khí để sản xuất ra than sinh học và than biochar. Đất đá, xà bần, chai lọ thủy tinh sẽ được đưa qua nhiệt để khử các thành phần ô nhiễm sau đó nghiền nhỏ thêm phụ gia để sản xuất ra gạch không nung dùng cho các công trình xây dựng công cộng và dân sinh.

Ông Nguyễn Điểu chia sẽ thêm: Điều ao ước, khát khao và trăn trở của những người làm công tác môi trường, nhất là những người làm công tác môi trường tại Đà Nẵng mong muốn có một ngày nào đó biến rác thải gây ô nhiễm môi trường thành những sản phẩm có thể sử dụng được. Niềm khát khao đó bước đầu đã thành hiện thực.

Gian nan còn phía trước

Biến CTR thành những sản phẩm có ích đã được một số địa phương trong cả nước áp dụng. Nhưng đến nay hiệu quả mang lại từ việc đầu tư rất hạn chế. Đối với thị trường tiêu thụ các sản phẩm tái chế từ rác thải hiện nay như sản phẩm phân compost, phân vi sinh, năng lượng… đều gặp trở ngại.Tâm lý e ngại của người tiêu dùng cũng là một rào cảng chưa thể vượt qua của các sản phẩm tái chế từ rác thải. Do người tiêu dùng chưa được cung cấp thông tin đầy đủ và xác thực về các sản phẩm tái chế từ rác thải nên có xu hướng né tránh sử dụng.

Một số địa phương khác chọn công nghệ tái chế CTR để tạo năng lượng cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao do vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu. Công nghệ này chưa phù hợp với điều kiện của nước ta.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam cho biết: Qua tìm hiểu, nhiều dự án gặp khó khăn về công nghệ, về tiêu thụ sản phẩm đầu ra… Hay các dự án sản xuất điện cũng không mang lại hiệu quả do giá thành cao, và hầu như tất cả các công nghệ trên đều có tỉ lệ chôn lấp lớn.Đối với Nhà máy xử lý CTR Khánh Sơn cũng đang gặp khó khăn với đơn giá xử lý rác của thành phố hiện nay là 160.000 đồng/tấn, tương đương 7,3 đôla Mỹ cộng với giá trị thành phẩm thu được từ tái chế chất thải rắn, chắc chắn doanh nghiệp không thể bù được chi phí đầu tư về lâu dài.Chúng tôi mong các cấp xem xét, điều chỉnh đơn giá phí xử lý phù hợp để tiếp tục triển khai dự án mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Đà Nẵng.


Dây chuyền sản xuất ra gạch không nung từ đất đá, xà bần, chai lọ thủy tinh có thể dùng cho các công trình xây dựng công cộng và dân sinh

Chia sẽ về vấn đề này, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho rằng: Cuộc đầu tư vào xử lý rác thải là cuộc đầu tư khó đầy rủi ro và khó khăn. Bởi vốn đầu tư vào dự án lớn, thu hồi lâu, sản phẩm tái chế không được chuộng do tâm lý. Nếu không có sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương về các chính sách trong công tác tiêu thụ sản phẩm cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động thì vấn đề xử lý chất thải rắn sẽ khó thu hút được nhà đầu tư.

Mới đây, tại Hội thảo Rà soát việc thực hiện quy hoạch xây dựng xử lý CTR tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung,ông Phạm Minh Thắng, Phó Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Đà Nẵng cũng đã có những kiến nghị đối vớiTrung ương và địa phương cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xử lý chất thải rắn vì chi phí xử lý và ngân sách dùng cho xử lý rác thải hiện nay còn qua thấp, không khuyến khích được đầu tư trong xử lý chất thải. Đồng thời xây dựng các chính sách khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế từ rác thải, qua đó mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp xử lý, tái chế rác thải.

Nguyễn Nam (baoxaydung)

Bạn đang đọc bài viết Công nghệ xử lý chất thải rắn tại Đà Nẵng: Những bước đi đầu tiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Biến xơ mướp thành nguyên liệu thời trang độc đáo
Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.