Thứ sáu, 29/03/2024 11:56 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Vì sao vẫn chưa được quan tâm?

MTĐT -  Thứ hai, 15/10/2018 16:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nguồn nhiên liệu hóa thạch như: than đá, dầu mỏ, khí đốt ngày càng cạn kiệt thì năng lượng tái tạo đang là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cũng như một số tổ chức khác thì Việt Nam có nhiều tiềm năng về 4 dạng năng lượng tái tạo chính là: thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, biomass.

Các con số đánh giá về tiềm năng cũng đã được khảo sát và công bố. Cụ thể, tiềm năng điện gió ước tính lên đến 10.000-20.000MW, năng lượng mặt trời 4-5kWh/m 2 /ngày, biomass khoảng 3.000MW, thủy điện nhỏ khoảng 7.000MW.

Dù tiềm năng lớn nhưng thống kê của Bộ Công Thương cho thấy số khai thác được rất nhỏ. Đến nay, điện gió chỉ mới khai thác được khoảng 52MW, điện mặt trời khoảng 3,5MW, biomass 150MW, thủy điện nhỏ 1.500MW.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao nhân dịp lễ ra mắt Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo diễn ra năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh chi phí công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm, việc chuyển đổi năng lượng sang một nền kinh tế xanh hơn sẽ đóng góp vào chống biến đổi khí hậu bằng việc giảm nồng độ khí phát thải nhà kính tới mức an toàn.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa: Internet. 

Việc sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là sử dụng năng lượng tái tạo sẽ nâng cao chất lượng không khí cho người dân, giảm rủi ro chính trị bằng việc hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như tạo ra phát triển xanh.

Để khuyến khích việc khai thác năng lượng tái tạo, Chính phủ đã có nhiều quyết định về cơ chế chính sách hỗ trợ, như: Quyết định 130/2007/QĐ-TTg, ngày 02/08/2007 về cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch; Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Quyết định 24/2014/QĐ-TTg, ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam; Quyết định 31/2014/QĐ-TTg, ngày 05/05/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có các văn bản, như: Quyết định 18/2008/QĐ-BCT, ngày 18/07/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo; Quyết định 22/QĐ-ĐTĐL, ngày 02/04/2014 của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực ban hành biểu giá chi phí tránh được; hay Thông tư số 96/2012/TT-BTC, ngày 08/6/2012 của Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới.

Năng lượng tái tạo ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh minh họa: Internet. 

Thế nhưng, việc tái tạo năng lượng ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo (Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương), phát triển năng lượng tái tạo là nhu cầu bức thiết nhưng đang gặp nhiều vướng mắc, trong đó chủ yếu là do công nghệ và giá thành đầu tư tương đối cao. Nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ mà để việc phát triển năng lượng tái tạo cân bằng với phát triển các dạng năng lượng truyền thống thì không thể nào phát triển được.

Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để phát triển năng lượng tái tạo ngày càng cụ thể và thiết thực, đồng thời đang từng bước có những xem xét, hiệu chỉnh theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đánh giá chính sách hỗ trợ của Việt Nam là chưa đồng bộ và thấp so với các nước trên thế giới.

Ngoài ra, việc đầu tư một số dự án năng lượng tái tạo còn cho thấy nhiều vấn đề khác. Hầu hết các thiết bị làm dự án chúng ta không sản xuất được mà phải nhập khẩu. Như nhập khẩu turbine gió của Mỹ, châu Âu về thì riêng tiền vận chuyển cũng chiếm khoảng 10-15% giá trị, làm cho giá thành đầu tư, giá năng lượng của chúng ta cao. Với một dự án điện gió công suất khoảng 30MW thì tối thiểu phải đầu tư 50 triệu USD.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam thường là các doanh nghiệp nhỏ nên tìm kiếm nguồn vốn để phát triển năng lượng tái tạo là rất khó khăn. Bên cạnh đó, do cơ sở hạ tầng của nước ta chưa tốt, một số dự án nhà đầu tư phải tự bỏ tiền ra để làm đường vận chuyển thiết bị, kéo lưới, đội giá thành đầu tư lên.

Ngoài khó khăn về việc thu xếp vốn thì nguồn nhân lực hiện nay cũng là một thách thức lớn bởi hiện nay nước ta chưa có một trường nào đào tạo chuyên ngành về năng lượng tái tạo nên đây là lực lượng rất khó tìm kiếm ở Việt Nam. Hầu hết lực lượng về phát triển năng lượng tái tạo đều được đào tạo từ nước ngoài về và lượng này rất ít. Với nguồn lực như vậy rất khó khăn cho sự phát triển.

Trước thực trạng này, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mặc dù rất muốn khai thác tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo ở nước ta nhưng họ vẫn chưa thể đẩy nhanh việc triển khai mà còn chờ các hiệu chỉnh chính sách cũng như các điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Vì sao vẫn chưa được quan tâm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới