Thứ sáu, 19/04/2024 08:19 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Quan tâm xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS

MTĐT -  Thứ năm, 04/10/2018 15:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng xây dựng nông thôn mới, kết hợp thực hiện các Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn.

Thực hiện đề án giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng xây dựng nông thôn mới (NTM), kết hợp thực hiện các Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập, thoát nghèo.

Vĩnh Phúc có 5/9 đơn vị hành chính cấp huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Tam Đảo, Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương và thành phố Phúc Yên. Toàn tỉnh có 40 xã thuộc vùng dân tộc và miền núi, trong đó, 14 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng thôn, bản.

Trong những năm qua, các chương trình, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh chủ yếu được thực hiện thông qua các chính sách dân tộc.Trong đó, tập trung chủ yếu vào dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32 và 54 của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng thực hiện các chương trình, chính sách trên là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Mô hình nuôi hươu sao ở xã Đại Đình, Tam Đảo đem lại thu nhập cao cho người nông dân. 

Nhận thức tầm quan trọng của công tác xây dựng NTM, phát triển kinh tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ, nâng cao điều kiện sống, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn; lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất.

Chương trình 135, từ năm 2006 đến 2017, tỉnh đã đầu tư trên 85 tỷ đồng đầu tư xây dựng 59 công trình đường giao thông nông thôn, 12 công trình thủy lợi, 17 công trình trường học, 7 công trình nhà văn hóa, 2 trạm y tế, 1 công trình chợ, và 1 công trình cải tạo UBND xã. Đồng thời, đầu tư trên 65 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 32 công trình nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào dân tộc thiếu số khó khăn về nước sinh hoạt; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.304 hộ, với kinh phí 391 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 989 hộ với kinh phí 11.437 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có một số dự án liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang triển khai thực hiện tại một số xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh như: Dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và nuôi cá tầm ở huyện Tam Đảo; dự án trồng và sơ chế, bảo quản, chế biến ớt ở huyện Yên Lạc; mô hình nuôi ong ở các huyện Lập Thạch, Bình Xuyên…

Tam Đảo là huyện miền núi cao nơi có nhiều xã có đồng bào dân tộc sinh sống nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây có địa hình dốc cao, dân cư thưa thớt, trình độ canh tác lạc hậu, nhất là ở các xã Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, Tam Quan, Hồ Sơn, Hợp Châu, Đại Đình, Minh Quang có nhiều bà con người dân tộc thiểu số sinh sống. Chính vì vậy, năm 2010 khi bắt tay vào xây dựng NTM huyện gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng yếu kém so với mặt bằng chung của tỉnh, thu nhập bình quân/người thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 30%, điều kiện sản xuất manh mún, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, huyện Tam Đảo đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Tam Đảo chung sức xây dựng NTM” và tiến hành cho 8/8 xã ký giao ước thi đua; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để đồng bào hiểu được vai trò của mình cùng chung tay, góp sức xây dựng NTM.

Tính đến nay, huyện Tam Đảo đã có 5/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 3 xã còn lại thì xã Tam Quan đã đạt 19/19 tiêu chí, hai xã Đại Đình và Đạo Trù hiện đang nỗ lực hoàn thiện tiêu chí còn thiếu, phấn đấu đến hết năm 2018 toàn huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau hơn 7 năm xây dựng nông thôn mới, Tam Đảo đã huy động hàng trăm tỷ đồng cho chương trình, trong đó, riêng nhân dân đóng góp 16 tỷ đồng tiền mặt, gần 200.000m2 đất và gần 30.000 ngày công lao động.

Toàn huyện đã cứng hóa được 168,5km đường trục xã, liên xã, đạt 100%; kiên cố hóa 122,3 km chiều dài kênh loại III; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt trên 80%; 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên. Toàn huyện không còn hộ gia đình phải ở nhà tạm, nhà dột nát; 8/8 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%. Thu nhập bình quân đầu người của  huyện hiện đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,02%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đạt 93%.

Trong giai đoạn 2017-2020, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ đa dạng các hình thức phát triển kinh tế, phát triển sản xuất, cũng như nhân rộng các mô hình giảm nghèo, phù hợp với năng lực sản xuất và đa dạng hóa về thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng NTM. Trước mắt, tập trung các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế; khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, sử dụng nguồn lao động nông thôn, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ giúp đồng bào tăng thu nhập qua đó giảm nghèo bền vững.

Theo Văn hiến

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Quan tâm xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.