Thứ bảy, 20/04/2024 04:52 (GMT+7)

ĐT Việt Nam- ĐT Iran: Gây dựng “ADN World Cup” cho thế hệ vàng 2018?

MTĐT -  Thứ bảy, 12/01/2019 15:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu HLV Park Hang Seo cần 1 ý tưởng cho buổi họp ĐT Việt Nam trước trận gặp ĐT Iran, thì “World Cup” có thể là chủ đề hợp lý.

Sau thành công của năm 2018, bóng đá Việt Nam bắt đầu nhắc tới giấc mơ World Cup. Cụ thể, mục tiêu là World Cup 2026, khi số đội tham dự tăng từ 32 lên 48 và châu Á có 8 suất, thay vì 4,5 suất.

Như vậy, nếu không đặt mục tiêu World Cup 2026 cho vui, thì bóng đá Việt Nam sẽ phải tìm cách hình thành “ADN World Cup” ngay từ bây giờ. Nói cách khác, trong vòng 8 năm tới, bóng đá Việt Nam phải vượt tầm khu vực, trở thành 1 trong 8 đại diện ưu tú nhất châu lục.

Muốn đạt đến đẳng cấp nào thì phải gặp đối thủ ở đẳng cấp đó. ĐT Iran – đại diện thường xuyên của châu Á ở World Cup và mới dự World Cup cách đây nửa năm, sẽ là ví dụ sống động cho Quang Hải và các đồng đội về đẳng cấp World Cup.

Phần lớn thành viên ĐT Iran dự Asian Cup 2019 đã tranh tài ở World Cup 2018. (Ảnh: Getty). 

Tuy nhiên, ĐT Việt Nam hiếm khi chạm trán những đối thủ đạt tầm World Cup như ĐT Iran. Xin nhắc lại, đối thủ đạt tầm World Cup ở cấp ĐTQG, chứ không phải cấp độ trẻ.

Lần gần nhất, ĐT Việt Nam chạm trán 1 ĐTQG thường xuyên (chứ không phải đã từng) giành vé dự World Cup là trận giao hữu với ĐT Nhật Bản. Ngày 7/10/2011, Trọng Hoàng và các đồng đội nhận thất bại 0-1 trên sân Kobe.

ĐT Nhật Bản cũng là "khách quen" World Cup gần nhất, mà ĐT Việt Nam chạm trán ở một giải đấu chính thức. Ngày 16/7/2007, thầy trò HLV Alfred Riedl thua ngược 1-4 ngay trên sân Mỹ Đình ở vòng bảng Asian Cup.

Từ năm 2007-2011 là khoảng thời gian hình thành, lên đỉnh rồi thoái trào của “thế hệ vàng 2008”. Tức là, dàn cầu thủ lừng lẫy một thời của bóng đá Việt Nam chỉ có 2 lần đọ sức với 1 đối thủ mang đẳng cấp World Cup.

ĐT Việt Nam hiếm khi chạm trán một "đại gia" châu lục thực thụ như ĐT Iran. (Ảnh: AFC).

“Thế hệ vàng 2018” khó có thể làm nên giấc mơ World Cup, nếu cũng chỉ có số trận đại chiến ít ỏi như vậy. Nên nhớ, ĐT Futsal Việt Nam và U19 Việt Nam đã có rất nhiều trải nghiệm với những đối thủ hàng đầu châu lục, tích lũy qua nhiều thế hệ, trước khi giành lấy tấm vé World Cup của mình.

Không ai muốn, Quang Hải và các đồng đội, tối nay gặp ĐT Iran xong, phải chờ 4-5 năm nữa mới lại gặp một đại gia châu lục thực thụ như ĐT Nhật Bản, ĐT Hàn Quốc, ĐT Australia hay chính ĐT Iran. Dù rằng, trong khoảng thời gian ấy chúng ta không ngồi chơi mà vẫn có những cuộc đối đầu với Iraq, Triều Tiên hoặc Trung Quốc.

"Thế hệ vàng 2018" có thể trở thành đầu tàu giúp ĐT Việt Nam giành vé dự World Cup 2026? (Ảnh: AFC). 

Trong phòng thay đồ sân Al Nahyan tối nay, HLV Park Hang Seo có thể sẽ bảo các học trò rằng: “Các cậu hãy chơi một trận để đời đi, vì hiếm khi ĐT Việt Nam gặp đối thủ mạnh như ĐT Iran. Thi đấu làm sao, để khi nhìn lại mình không hối hận”.

Nhưng biết đâu, thầy Park sẽ nói: “Trận gặp ĐT Iran hôm nay, là bước đi đầu tiên trên con đường hướng tới World Cup. Bất kể kết quả ra sao, hãy ghi nhớ trận đấu này để có một ngày giật vé World Cup từ tay ĐT Iran, giống như ĐT Futsal Việt Nam giật vé từ tay ĐT Futsal Nhật Bản, U19 Việt Nam giật vé từ tay U19 Bahrain vậy. Các cậu đã rõ chưa?”.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết ĐT Việt Nam- ĐT Iran: Gây dựng “ADN World Cup” cho thế hệ vàng 2018?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...