Thứ sáu, 19/04/2024 07:16 (GMT+7)

Lễ hội đền Đồng Bằng: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nam Phong - Đặng Phục -  Thứ hai, 12/11/2018 09:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đền Đồng Bằng khai hội vào ngày 20/8 (âm lịch) tại xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Đền Đồng Bằng khai hội vào ngày 20/8 (âm lịch) tại xã An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình

Đây là nơi thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc bình thục giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn xã tắc từ buổi sơ khai.

Lễ hội đền Đồng Bằng là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời và gắn liền với tâm thức của người dân trong vùng "tháng Tám giỗ cha", vừa là Giỗ đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, vừa là Giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Lễ hội sẽ diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 20 đến 26/8 âm lịch). Đây là  lễ hội tứ phủ lớn trong vùng, là dịp tập hợp lớn nhất của các ông đồng, bà cốt từ khắp mọi miền về tụ hội.

Đền Đồng bằng là di tích kiến trúc có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật gỗ, tọa lạc bên dòng sông cổ Mai Diêm thơ mộng thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng (nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ)

Quần thể di tích Đền Đồng Bằng bao gồm đền Đức Vua (đền chính), đền quan Điều Thất, quan Đệ Tam... mà còn có đền Sinh, đền quan Đệ Nhị, đền Công Đồng...Dọc theo sông Diêm còn nhiều đền, miếu thuộc các xã khác nhau, cách đền Đức vua khoảng 2km theo hướng đi Hải Phòng còn có đền Trần (Ngã tư Vũ Hạ) thờ Hưng Đạo Đại Vương...

Có thể nói, Đền Đồng Bằng mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống trong văn hoá làng xã Bắc Bộ nhưng lại ảnh hưởng bởi kiến trúc Huế những năm đầu thế kỷ. Đó là nghệ thuật ghép gốm và mái tứ diện chồng diêm, âu cũng là sự giao thoa văn hoá và cũng từ đó càng làm gia tăng vẻ đẹp mê hồn của ngôi đền độc nhất vô nhi trên vùng đất này.

Lễ hội đền Đồng Bằng có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân nơi đây. Đây là hình thức sinh hoạt văn  hóa dân gian đặc thù và mang tính tổng hợp cao, pha trộn và đan xen nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa, từ tục thờ thủy thần đến thờ Cha, thờ Mẹ, thờ Anh hùng dân tộc và Anh hùng văn hóa. Lễ hội này là một trong những hoạt dộng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của người dân thông qua việc thờ thủy thần như một vị thánh thiêng liêng, kết hợp thờ vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và tướng quân Phạm Ngũ Lão. 
Lễ hội này đã trở thành điểm du lịch tâm linh  thu hút nhiều du khách, góp phần phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế và nâng cao đời sống cộng đồng cư dân ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. 

Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, năm 1986, di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Bằng đã được Bộ Văn hóa công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Ngày 16/9/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định ghi danh di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Đền Đồng Bằng vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và ngày 9/10/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  trao bằng công nhận di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với lễ hội truyền thống đền Đông Bằng.

Đây là lễ hội cấp vùng, mang đặc trưng văn hóa truyền thống của cư dân trồng lúa nước đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc, lễ hội còn lưu giữ được các hoạt động dân gian đặc sắc như bơi chải, thi vật, diễn xướng hát văn và hầu đồng, đặc biệt là lễ rước từ các đền quan trong quần thể di tích về đền chính.

Bạn đang đọc bài viết Lễ hội đền Đồng Bằng: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.