Thứ sáu, 29/03/2024 06:01 (GMT+7)

Cienco 8 phủ nhận trách nhiệm liên quan đến người lao động Hà Nam

Đức Vũ -  Thứ bảy, 15/12/2018 09:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Tất cả những đòi hỏi, quyền lợi của người lao động phải đi hỏi công ty XDCTGT 820. Hiện tại tìm được hội đồng quản trị của công ty này thì thật sự khó vì gần như là nó giải thể" - GĐ Cienco 8 nói.

Người lao động chịu rét đòi quyền lợi

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có ghi nhận và đăng tải thông tin bài viết "Người dân đội mưa từ Hà Nam về Hà Nội đòi quyền lợi từ Cienco 8" với nội dung những người lao động ở Hà Nam đi tìm lại quyền lợi đáng có của mình.

Cụ thể, vào khoảng 9h30 một nhóm người lao động đã đến Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 - CIENCO8 (18 Hồ Đắc Di, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) căng băng rôn đòi lại quyền lợi.

Người dân đến tổng công ty Cienco 8 đòi quyền lợi ngày 11/12.

Trên băng rôn có ghi những dòng biểu ngữ “yêu cầu Tổng công ty XD Giao thông 8 giải quyết chế độ cho người lao động của công ty CPXD 820” ; “Ai bảo vệ người lao động khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm” hay “đề nghị Cienco 8 và Cinco 820 giải quyết chế độ cho người lao động”...

Ghi nhận của PV tại đây, những người lao động hầu như đến từ Phủ Lý (Hà Nam), dưới thời tiết lạnh giá những người này mang theo cả chăn, chiếu trải ra trước của ra vào của Công ty Cienco 8. Điều đáng nói, tuy tụ tập đông người nhưng nhóm người này không gây ồn ào, đấu tranh đòi quyền lợi cho bản thân không làm phiền, ảnh hưởng đến giao thông.

Ông Hoàng Văn Chiến (Phủ Lý, Hà Nam) chia sẻ: “Chúng tôi yêu cầu công ty Cienco 8 trả lại bảo hiểm xã hội cho anh em công nhân. Giải quyết chế độ cho người về hưu để chúng tôi có những chế độ tiếp theo. Cứ giữ như thế này những người trẻ không thể đi làm ở đâu, những người già không có chế độ về hưu. Cuộc sống của chúng tôi vất vả lắm rồi”.

Những băng rôn của người lao động được căng ra ngày 11/12ở tổng công ty Cienco 8.

Tìm hiểu thông tin, trong thời gian qua một số lao động thuộc Công ty cổ phần xây dựng Công trình giao thông 820 có đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng về việc đảm bảo quyền lợi về BHXH cho người lao động.

Theo đó, Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 820 từ năm 2009 đến nay không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam đã chốt số nợ với Công ty là 8.385.394.689 đồng.

Trong đơn kêu cứu nêu rõ nguyên nhân dẫn đến việc người lao động đến công ty Cienco 8 đòi quyền lợi. Cụ thể như sau: Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 820 đã ngừng hoạt động kể từ khi Tập đoàn Phúc Lộc tiếp quản Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP (Công ty mẹ) nắm quyền chi phối Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 820.

Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông giao thông 8 – CTCP là Công ty mẹ chiếm đa số cổ phần của Công ty 820, vì vậy người lao động đề nghị Tổng Công ty xây dựng công trình giải quyết các chế độ quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động.

Gần như không thể đòi lại tiền từ Công ty 820

Để có thể giải đáp thắc mắc cũng như tìm ra lời giải đáp quyền lợi của người lao động sẽ đi về đâu. PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có dịp trao đổi trực tiếp với bà Lê Thị An Hải - Giám đốc ban Hành chính, Nhân sự, Đối ngoại của Tổng công ty Cienco 8.

Bà cho biết: "Theo luật lao động ai là người sử dụng lao động thì người đấy phải có trách nhiệm trả lại quyền lợi cho người lao động. Tổng công ty Cienco 8 chỉ là một cổ đông chứ không có trách nhiệm trong việc trả lại những quyền lợi mà người lao động đang đi tìm".

Trụ sở Công ty Cienco 8 (18 Hồ Đắc Di, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội)

Cụ thể hơn, hiện tại Tổng công ty Cienco 8 đang nắm giữ 49% cổ phần Công ty CPXD công trình  820. Bây giờ không còn quan niệm cấp trên cấp dưới nữa mà quan niệm theo luật doanh nghiệp thì Tổng công ty cũng là một cổ đông.

Bà Hải thêm thông tin, những người lao động đến đây căng băng rôn đòi quyền lợi, thì thực ra là không phải người lao động của Cienco 8 mà là của Công ty CPXD giao thông 820 một công ty mà Cienco 8 là một cổ đông. Trách nhiệm để nợ bảo hiểm và trả quyền lợi cho người lao dộng là trách nhiệm của hội đồng quản trị của Công ty 820 có trụ sở ở Hà Nam không phải trách nhiệm của Cienco 8.

"Chính vì người dân  không biết kêu ở đâu nên người ta cứ lên Tổng công ty họ kêu", bà Hải nói. Ngay hôm 11/12 Chủ tịch Cienco 8 đã mời người lao động lên hội trường họp và trình bày thẳng quan điểm, "nếu chúng tôi có giúp thì đây chỉ là hỗ trợ của tổng công ty thôi, như là cá  nhân chủ tịch đứng ra giúp. Bởi vì Cienco 8 vẫn còn vốn nhà nước làm cái gì không đúng nguồn tiền là không được.Tổng công ty không thể trích bất cứ cái nguồn tiền nào để trả bảo hiểm cho một cái công ty khác".

Công ty bả0 hiểm Hà Nam gửi đến Tổng công ty Cienco8 về việc giải quyết BHXH cho người lao động.

Theo đó, phía Tổng công ty cũng đã có văn bản như yêu cầu hội đồng quản trị công ty 820 tìm tất cả các nguồn có thể còn để làm sao đấy ưu tiên giải quyết toàn bộ vấn đề cho người lao động. 

Tuy nhiên bà Hải cho rằng, việc người lao động có thể tìm lại được những quyền lợi là vô cùng khó khăn. Lý do là vì hiện tại để tìm được Hội đồng quản trị của công ty 820 là rất khó. Công ty này gần như là đang trên bờ vực giải thể, không còn người làm việc nên những người lao động mới rơi vào tình trạng này.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Cienco 8 phủ nhận trách nhiệm liên quan đến người lao động Hà Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.