Thứ năm, 28/03/2024 21:24 (GMT+7)

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 8/102018

MTĐT -  Thứ hai, 08/10/2018 16:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 8/10/2018, cập nhật tin tức giáo dục nóng nhất hôm nay 8/10/2018 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Hà Nội: Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019 sẽ thi tuyển 4 bài thi độc lập

Chiều 5/10, Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. Theo đó, từ Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới sẽ thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi của các môn học khác.

Theo đó, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 là một trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân. Môn thứ tư này sẽ được công bố vào tháng 3/2019.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc thay đổi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là việc cần thiết, nhằm phục vụ lộ trình thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới với các môn tích hợp, tiến tới triển khai đề thi, bài thi tổ hợp, bài thi tích hợp. Việc thay đổi cũng là để tránh việc học sinh học tủ, học lệch, học thêm và dạy thêm tràn lan.

Có 2 bài thi tổ hợp được lựa chọn, bài thi tổ hợp 1 sẽ gồm Ngoại ngữ, Vật lý; Lịch sử và Giáo dục Công dân. Bài thi tổ hợp hai gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút.

Như vậy, sau 2 tháng Sở GD&ĐT Hà Nội trình 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để lấy ý kiến rộng rãi tới các trường, và UBND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án 1.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp THCS của Hà Nội được tổ chức hôm 13/8, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. Ba phương án gồm:

Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư, trong đó, bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bài thi thứ 4 do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.

Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.

Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học). Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài. Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD&ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.

Diện tích phòng chăm sóc, giáo dục trẻ bảo đảm ít nhất 1,5m2/em

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó sửa đổi, bổ sung điều kiện thành lập và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Theo Báo Hà Nội mới, Nghị định đưa ra các điều kiện thành lập và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, gồm: Có giáo viên đạt trình độ chuẩn; diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ bảo đảm ít nhất 1,5m2 cho một trẻ em; quy định về trang thiết bị đối với một nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập.

Giờ học phát triển vận động của các bé lớp 5 tuổi E, Trường Mầm non Hạ Long (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Ảnh: Hoàng Anh.

Đặc biệt, Nghị định quy định, đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của phụ huynh và phải đăng ký hoạt động với UBND cấp xã, bảo đảm các điều kiện đăng ký hoạt động như sau: Số lượng trẻ em trong nhóm trẻ tối đa là 7 trẻ. Người chăm sóc trẻ có đủ sức khỏe, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ theo quy định. 

Về trang thiết bị đối với một lớp mẫu giáo độc lập, báo phunuvietnam.vn cho biết: Có bàn, ghế đúng quy cách cho trẻ em ngồi (đặc biệt đối với trẻ em 05 tuổi): Một bàn và hai ghế cho hai trẻ em; một bàn, một ghế và một bảng cho giáo viên; kệ để đồ dùng, đồ chơi; thùng đựng nước uống, nước sinh hoạt. Đối với lớp bán trú: Có ván hoặc giường nằm, chăn, gối, màn, quạt phục vụ trẻ em ngủ.

Về cơ sở vật chất phải bảo đảm điều kiện tối thiểu, Báo Chính phủ nêu rõ, phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có diện tích tối thiểu là 15m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát; có đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ em; có đủ đồ dùng và các thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em; có đủ nước uống và nước sinh hoạt cho trẻ em hằng ngày; có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em; có tài liệu hướng dẫn thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em.

ĐH Huế chỉ đạo xử nghiêm vụ giảng viên bị tố giúp em gian lận điểm

Tin tức trên Zing News, Liên quan nghi vấn sửa điểm tại khoa Toán, ĐH Sư phạm (ĐH Huế), ngày 7/10, ông Trương Quý Tùng, Phó giám đốc ĐH Huế, cho biết hiệu trưởng ĐH Sư phạm phải có trách nhiệm giải trình vụ việc.

ĐH Sư phạm (ĐH Huế) khẳng định sẽ làm rõ và xử lý nghiêm những người liên quan nghi vấn gian lận điểm thi. Ảnh: Điền Quang.

Theo ông Tùng, kiểm tra bước đầu cho thấy có dấu hiệu sai phạm. ĐH Huế sẽ lập đoàn kiểm tra giám sát, nắm bắt tình hình xử lý vụ việc của đơn vị thành viên là ĐH Sư phạm.

"Chúng tôi đang theo dõi vụ việc và sẽ xử lý nghiêm, vì uy tín của ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế). Sinh viên vi phạm sẽ bị xử lý theo quy chế học sinh, sinh viên của ĐH Huế. Giảng viên nếu vi phạm thì xử lý theo Luật Giáo dục Đại học", ông Tùng nói.

Trước đó, khoa Toán - ĐH Sư phạm (Đại học Huế) nhận được đơn tố cáo của sinh viên năm thứ tư của khoa liên quan điểm thi bất thường của sinh viên Huỳnh Quang N.S. và giảng viên Huỳnh Quang N.M. (anh trai N.S.).

Theo đơn tố cáo, sinh viên N.S. nhờ có anh ruột là giảng viên khoa Toán nâng đỡ, kết quả học tập cao bất thường. N.S. đứng tốp đầu sinh viên trong khoa và được đề cử trong danh sách nhận học bổng của trường và Viện Toán cao cấp.

Sau khi nhận được đơn tố cáo, khoa Toán đã tiến hành các buổi họp để đối chất, giải trình, làm rõ sự việc.

Gần 1.135 tỷ đồng cho chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 ở TPHCM

Sáng 8-10, HĐND TPHCM khóa IX đã tổ chức kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ X) để xem xét một số tờ trình liên quan đến việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và một số nội dung khác.

Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại kỳ họp này là việc thảo luận về tờ trình của UBND TP về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TPHCM.

Ảnh minh họa.

Theo UBND TP, giai đoạn của trẻ từ 6-10 tuổi thì bữa ăn của trẻ ngoài việc cung cấp năng lượng cho trẻ hoạt động thì sữa là nguồn dinh dưỡng cung cấp các vitamin khoáng chất và nguồn đạm có giá trị sinh học cao chứa đủ các acid amin thiết yếu có vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ.

“Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống”, tờ trình của UBND TP nhấn mạnh. Vì vậy, việc đầu tư cho trẻ hôm nay để có một thế hệ tương lai phát triển mạnh về thể chất và trí tuệ đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

UBND TP cũng khẳng định, Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh về đề án. Trong đó, phát ra 260.695 phiếu, thu về gần 232.000 phiếu, nhận được 84,4% đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần/tuần.

Về chương trình sữa học đường, UBND TP đặt mục tiêu 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học các trường tham gia đề án được uống sữa theo chương trình sữa học đường. Đồng thời, 100% cha mẹ học sinh, người chăm sóc có con em tham gia đề án được truyền thông, tư vấn về chương trình sữa học đường.

Cùng đó, TPHCM cũng đặt mục tiêu tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tham gia đề án dưới 4,4%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia đề án dưới 6,8%.

UBND TP đề xuất áp dụng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trong các trường công lập, ngoài công lập và trẻ em tại lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, học sinh sẽ uống sữa 9 tháng/năm học (trừ 3 tháng nghỉ hè). Mỗi học sinh sẽ uống mỗi ngày 1 hộp, mỗi tuần uống 5 lần.

Riêng đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TPHCM; học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường thực hiện đề án thì ngân sách TPHCM sẽ hỗ trợ 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Trao tặng hơn 6.800 mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 ở Quỳnh Lưu

Báo Nghệ An đưa tin, sáng 8/10, huyện Quỳnh Lưu tổ chức trao tặng 6.845 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh lớp 1 trên 39 trường tiểu học trên địa bàn.

Tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Cầu Giát (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thanh Toàn

Việc trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh bước vào lớp 1 nhằm gia tăng tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi sau xe mô tô, gắn máy và xe đạp điện, từ đó tác động đến nhận thức phụ huynh và cộng đồng nói chung về việc đội mũ bảo hiểm cho con em mình khi tham gia giao thông.

Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia triển khai theo chủ đề năm an toàn giao thông 2018 “An toàn giao thông cho trẻ em”, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với trẻ em. 

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 8/102018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.