Thứ sáu, 29/03/2024 18:49 (GMT+7)

Hội thảo: “Xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của Khoa DSVH'

MTĐT -  Thứ ba, 27/11/2018 08:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 22/11/2018, tạp phòng họp 214 nhà A, Khoa Di sản văn hóa đã tổ chức thành công hội thảo khoa học “Xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của Khoa Di sản văn hóa”.

Đến tham dự hội thảo có ThS. Phạm Định Phong (Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa); PGS. TS. Trịnh Thị Minh Đức (Nguyên Trưởng khoa Sau đại học); GS.TS. Trương Quốc Bình (Chuyên viên cao cấp, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia), PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), PGS.TS. Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện VHNTQG VN), PGS.TS. Phạm Văn Dương (Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học), ThS. Nguyễn Việt Hùng (Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ), TS. Nông Anh Nga – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa Di sản văn hóa.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Sỹ Toản – Trưởng khoa Di sản Văn hóa khẳng định tầm quan trọng của chuẩn đầu ra cho mỗi ngành học đối với công tác đào tạo của Nhà trường và các Khoa chuyên ngành. Việc thiết kế, xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành Bảo tàng học và chuyên ngành Quản lý Di sản Văn hóa là nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi tính sáng tạo, đổi mới và phù hợp với đặc thù ngành học, bám sát nhu cầu thực tế đào tạo sinh viên hiện nay.

PGS. TS. Nguyễn Sỹ Toản - Trưởng khoa Di sản Văn hóa phát biểu khai mạc Hội thảo

Sau bài phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Sỹ Toản là ý kiến đóng góp, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên ngành Bảo tàng học và chuyên ngành Quản lý Di sản văn hóa của các đại biểu.

ThS. Phạm Định Phong (Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa) đã đánh giá cao công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành của Khoa Di sản trong những năm qua, đồng thời góp ý cho một số điểm còn chưa phù hợp trong bản dự thảo Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của Khoa Di sản văn hóa, cụ thể là: mục tiêu chung của hai ngành học cần làm rõ hơn; chương trình học cần được thiết kế để đảm bảo cân đối giữa lý thuyết và thực hành để sinh viên sau khi ra trường có khả năng tiếp cận thực tiễn và có kỹ năng làm việc đáp ứng được đòi hỏi của đơn vị tuyển dụng; thời gian thực tập tại các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ còn quá ít, cần được tăng cường và có sự liên hệ, gắn kết giữa cơ sở đào tạo với nơi thực tập.

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí với quan điểm phải tăng cường kỹ năng thực hành cho sinh viên ngành Bảo tàng học; các môn học trong chương trình đào tạo cần được cân nhắc và thiết kế đảm bảo cung cấp cho sinh viên lượng kiến thức cơ bản về Bảo tàng học và khoa học quản lý, đồng thời trang bị thêm cho sinh viên những kỹ năng mềm; chuyên ngành Quản lý Di sản văn hóa cần tăng thêm các môn học về quản lý nói chung, bao gồm đối tượng quản lý, công cụ, phương pháp, nội dung quản lý. Chuẩn đầu ra của sinh viên chuyên ngành Quản lý Di sản văn hóa phải đáp ứng tiêu chí: có kỹ năng nhận diện di sản, kỹ năng xác định hiện trạng bảo tồn di sản văn hóa, kỹ năng đưa ra các giải pháp khoa học trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, kỹ năng huy động các nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn và phát huy di sản…

Đáng chú ý là những góp ý rất thẳng thắn, tâm huyết của PGS.TS. Trịnh Thị Minh Đức (Nguyên Trưởng khoa Sau đại học) tập trung vào một số điểm chính sau đây: thứ nhất, phần mục tiêu chung của hai ngành học còn chưa rõ ràng, chưa nêu bật được tính đặc trưng và khác biệt giữa chuẩn đầu ra của từng ngành học; thứ hai, chuẩn đầu ra của chuyên ngành Quản lý Di sản văn hóa còn một số mục cần phải sửa lại, đồng thời bổ sung thêm vị trí việc làm trong khối công ty tư nhân, đơn vị ngoài công lập… Thứ ba, chuẩn đầu ra của ngành Bảo tàng học cần cập nhật được xu thế phát triển của Bảo tàng trong khu vực và thế giới, bám sát nhu cầu thực tiễn của xã hội về ngành để hoạch định kế hoạch đào trong từng giai đoạn cho phù hợp và sát với thực tế.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện VHNTQG VN) đề xuất cần nghiên cứu, xây dựng chương trình của hai ngành học phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, công nghiệp văn hóa phát triển rất nhanh và lan tỏa tới mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Hội thảo còn nhận được ý kiến đóng góp xây dựng nội dung Dự thảo Chuẩn đầu ra hai ngành Bảo tàng học và chuyên ngành Quản lý Di sản văn hóa của các chuyên gia: PGS. TS. Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam), TS. Lê Thị Minh Lý (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa), TS. Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám), PGS. TS. Nguyễn Thị Huệ (Nguyên Trưởng khoa Di sản văn hóa). Đây là những nhận xét, góp ý rất tâm huyết của những chuyên gia có nhiều năm trực tiếp tham gia công tác quản lý và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Di sản văn hóa nên mang tính khái quát, định hướng phát triển cho việc xây dựng chuẩn đầu ra của cả hai ngành học đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của xã hội trong thời kỳ hội nhập. 

Sau gần 3 tiếng trao đổi, thảo luận sôi nổi, không nghỉ giải lao, các đại biểu đã có những gợi ý mang tính định hướng khoa học cho việc xây dựng chuẩn đầu ra cho hai ngành học của Khoa Di sản Văn hóa cũng như hướng phát triển của hai ngành trong tương lai. Tiếp nhận những ý kiến đóng góp từ các đại diện tham dự Hội thảo, TS. Nông Anh Nga – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế gửi lời cảm ơn đến các đại biểu đã có những góp ý mang tính định hướng kiến thức cho từng ngành học. Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế sẽ phối hợp tốt nhất có thể với các khoa chuyên ngành, đặc biệt đối với khoa Di sản Văn hóa để xây dựng khung chương trình chuẩn đầu ra cho hai ngành Bảo tàng học và chuyên ngànhQuản lý Di sản văn hóa trong thời gian tới.

Kết luận hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Sỹ Toản tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của Quý vị đại biểu, đồng thời khẳng định Khoa sẽ sớm xây dựng, hoàn thiện Dự thảo chương trình đào tạo chuẩn đầu ra cho ngành Bảo tàng học và chuyên ngành Quản lý Di sản Văn hóa.

Một số hình ảnh khác trong Hội thảo:

Toàn cảnh hội thảo

ThS. Phạm Định Phong (Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa)
phát biểu, góp ý tại Hội thảo

PGS.TS. Phạm Văn Dương (Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học) góp ý xây dựng chuẩn đầu ra của hai ngành học

PGS. TS. Trịnh Thị Minh Đức (Nguyên Trưởng khoa Sau đại học) trình bày những góp ý
mang tính định hướng cho việc xây dựng chuẩn đầu ra chuyên ngành Quản lý Di sản văn hóa

GS.TS. Trương Quốc Bình (Chuyên viên cao cấp, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) phát biểu ý kiến

PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) nhận xét và góp ý

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện VHNTQG VN) nêu nhận xét và góp ý cho Dự thảo Chuẩn đầu ra của hai ngành học

ThS. Nguyễn Việt Hùng (Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ) phát biểu những trăn trở về công tác đào tạo của Khoa trong những năm qua

TS. Nông Anh Nga – Phó Trưởng phòng Đào tạo,
Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu

Theo huc.edu.vn

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo: “Xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của Khoa DSVH'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới