Thứ sáu, 29/03/2024 07:32 (GMT+7)

Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, nhiều bất cập

Đăng Khôi -  Thứ hai, 11/02/2019 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến việc công nhận văn bằng nước ngoài cấp cho người Việt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được nhiều ý kiến

Những năm trở lại đây, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động công nhận văn bằng do cơ sơ giáo dục nước ngoài cấp thông qua công cụ "trình tự, thủ tục" do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và thực hiện đã và đang nảy sinh nhiều bất cập cần phải điều chỉnh, bãi bỏ quy định này đối với một số trường hợp.

Việc công nhận chủ yếu dựa vào tính hợp pháp của văn bằng

Liên quan đến việc công nhận văn bằng nước ngoài cấp cho người Việt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được nhiều ý kiến phản ứng quyết liệt đối với công cụ “trình tự, thủ tục” cứng nhắc đến vô lý mang tính chất cơ chế “xin-cho” gây khó khăn, phiền hà cho người học.

Được biết, việc công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hiện nay được thực hiện theo quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT (do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 20.12.2007) và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT (cũng của Bộ GD-ĐT, ban hành ngày 15.7.2013) sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 77. Mặt khác, một công cụ khác là Văn bản hợp nhất….

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp:

Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng.

Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên (người có văn bằng thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng)

Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.

Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

Bộ GD&ĐT không bắt buộc tất cả mọi công dân Việt Nam có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải làm thủ tục công nhận văn bằng. Việc làm thủ tục đề nghị công nhận văn bằng là do từng cá nhân có nhu cầu thực hiện, trên cơ sở yêu cầu của cơ quan sử dụng lao động. Có nhiều trường hợp, chính cơ quan sử dụng lao động, hoặc các cơ quan chức năng, sẽ đứng ra đề nghị với những trường hợp cần xác minh.

Tại buổi tọa đàm để giải quyết bất cập về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT khẳng định câu chuyện công nhận văn bằng của các tổ chức nước ngoài cho người Việt Nam bắt đầu có từ năm 2008 sau khi chúng ta có Quyết định 77. Ông Trinh cho rằng: Ở các nước trên thế giới cũng có hoạt động công nhận văn bằng đào tạo của các cơ sở ở nước ngoài. Việc công nhận là được thừa nhận ở mỗi quốc gia, người sử dụng nó sẽ được phát huy, đồng thời có kênh để xác định văn bằng kém chất lượng, văn bằng giả…lọt vào thực tiễn cuộc sống. Sau 10 năm thực hiện, chúng tôi cơ bản thực hiện theo quy định hiện hành và công nhận khoảng 24.000 văn bằng.

Tuy nhiên, quá trình xin chứng nhận văn bằng qua Trung tâm công nhận văn bằng của Cục quản lý chất lượng có quá nhiều bất cập, có trường hợp đơn giản, nhanh gọn nhưng có trường hợp phải đợi thời gian rất lâu để xác nhận, thậm chí không thể xác nhận được.

Ông Trần Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KHCN cho biết, rất nhiều bạn bè của ông đi du học tại Liên Xô cũ theo diện được bộ, ngành cử đi học. Đây đều là những người ưu tú, nhưng khi về nước chưa được công nhận văn bằng. Muốn được công nhận thì phải làm thủ tục nộp lên Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT), rồi phải xin xác nhận của cơ sở giáo dục, Đại sứ quán… Nhiều người do không giữ được các giấy tờ lúc được cử đi học nên không được công nhận.

Còn theo TS. Lê Viết Khuyến (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD & ĐT), việc công nhận bằng cấp đáng ra phải thuộc về cơ quan tuyển dụng thì hiện nay lại “nằm trong tay Bộ GD & ĐT”, nên mới xảy ra những việc tréo ngoe như vậy.

Công cụ “trình tự, thủ tục” công nhận văn bằng được xây dựng như thế nào?

Thời gian qua, dư luận khá bức xúc về tình trạng khó khăn trong công tác xác nhận văn bằng tại Trung tâm, có ý kiến cho rằng, Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT giống như một dạng “giấy phép con” trong Ngành Giáo dục. Tại buổi tọa đàm này, ông Mai Văn Trinh chia sẻ: "Tôi khẳng định đây không phải giấy phép con và Bộ GD&ĐT, chưa có một văn bản nào yêu cầu người học phải công nhận văn bằng. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu cá nhân".

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Việc tồn tại Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT đúng hay không? PV đi sâu tìm hiểu về vấn đề này và được biết, không phải từ năm 2007 mới có quy định về công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài như ông Mai Văn Trinh phát biểu, từ 02/12/1998 Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục, tại điều 97 quy định rõ về việc công nhận văn bằng nước ngoài như sau:
1. Việc công nhận văn bằng của người Việt Nam do nước ngoài cấp được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ký kết hiệp định tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng với các nước, các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi Luật Giáo dục 1998 ra đời, Bộ GD&ĐT đã “quên” một cách vô ý hay có chủ ý ?! Ban hành Quyết định hoặc thông tư hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện điều 97 quy định trong Luật Giáo dục năm 1998.

Ngày 14/6/2005, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục thay thế Luật Giáo dục năm 1998, tại điều 110 quy định rõ về việc cấp công nhận văn bằng nước ngoài, về cơ bản tương đồng điều 97 Luật Giáo dục 1998, tái khẳng định việc công nhận thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Bộ GD&ĐT tiếp tục “quên” trong khoảng thời gian 2 năm, cho đến ngày 20/12/2007 Bộ GD&ĐT mới ban hành Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Bộ GD&ĐT phải mất gần một thập kỷ (09 năm) để xây dựng và ban hành “công cụ - trình tự, thủ tục” công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp ??? sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm một cách “vô cảm” đã tác động tiêu cực đến người học, tổ chức có liên quan và hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục???

Để tìm hiểu về tính hợp pháp của Quyết định này, chúng tôi có trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Mến, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Luật sư Mến cho rằng: Ngày 3/6/2008, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Điều 16 đã quy định rõ: Bộ và cơ quan ngang Bộ được phép ban hành thông tư Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, trước ngày 3/6/2008 trở về trước Bộ GD&ĐT có thể ban hành Quyết định 77/2007 nhưng sau ngày 3/6/2008 thì Quyết định này sai quy phạm pháp luật và không có giá trị pháp lý.

Đáng lý ra, sau khi ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật Ban hành VBQPPL) 2008 Bộ GD&ĐT phải hủy quyết định trên và ban hành Thông tư quy định, cụ thể hóa điều 110 Luật Giáo dục 2005, nhưng Bộ GD&ĐT tiếp tục lại “ quên” và phải mất 1/2 thập kỷ (05 năm) đến ngày 15/7/2013 mới ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều thuộc QĐ 77/2007 (ban hành kèm theo nêu trên).

Tuy nhiên, việc ban hành Thông tư 26/2013/TT-BGDĐT lại vi phạm điều 2 (hệ thống văn bản quy phạm pháp luật) và điều 9 (sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành) Luật Ban hành VBQPPL 2008. Như vậy, quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước đảm bảo thực hiện để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thông qua công cụ “trình tự, thủ tục” trong hoạt động công nhận văn bằng có được đảm bảo??? sự công nhận và không công nhận đối với các văn bằng nêu trên có phù hợp pháp luật???

Theo Luật sư Mến, việc Bộ GD&ĐT ban hành vô vùng chậm trễ, sai văn bản quy phạm pháp luật gây ra nhiều hệ lụy, gây khó khăn cho người Việt Nam đi học ở nước ngoài và các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam, tính hợp pháp của Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT, cấp thiết phải rà soát, công cụ “quy trình, thủ tục” phải được điều chỉnh theo hướng rút gọn và phù hợp mô hình và thời điểm đào tạo, đặc biệt tuân thủ theo pháp luật.

Để làm rõ hơn về vấn đề này Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết sau./.

Bạn đang đọc bài viết Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, nhiều bất cập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.