Thứ năm, 28/03/2024 17:50 (GMT+7)

6 cơ sở mầm non sai phép ở Chương Mỹ: Chính quyền có làm ngơ?

Sơn Hồng-Tiêu Diệp-Ngọc Trâm -  Chủ nhật, 19/08/2018 14:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau gần 2 tháng “phanh phui” sai phạm tại 6 cơ sở mầm non tư thục của xã Phú Nghĩa, đến nay chính quyền không lên tiếng xử lý, thậm chí cố tình “lẩn tránh”, có hay không dấu hiệu “bảo kê”?

Ghi nhận đột xuất “lật tẩy” sai phạm

Trước đó, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có loạt bài phản ánh nghi vấn việc chính quyền xã Phú Nghĩa - Chương Mỹ - Hà Nội “cố tình” cấu kết bao che sai phạm.

Thậm chí “nhắm mắt làm ngơ” thẩm định sai một số quy trình “chuẩn” để cấp phép cho 6 cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục không đủ điều kiện về chất lượng giáo dục hoạt động, gây bức xúc trong dư luận.

Để có thông tin khách quan về chất lượng giáo dục và cách thức hoạt động sau cấp phép của các cơ sở trên, sau loạt bài phản ánh, gần nhất là Phóng sự điều tra thu hút hàng nghìn người theo dõi “Hà Nội: Lỗ hổng chết người trong cấp phép thành lập lớp trẻ tư thục” với 3 cơ sở: Sơn Ca, Bé Thông Minh, Búp Sen Vàng...

Ngày 31/7, phóng viên tiếp tục ghi nhận tại 3 cơ sở còn lại là Họa Mi, Ngôi Sao Nhí và Ban Mai, tại đây, nhiều thiếu sót trong cấp phép tiếp tục được phóng viên “bóc mẽ”.

Cụ thể, tại cơ sở Ban Mai, do cô Bùi Thị Thúy làm chủ có 21 em theo học (ghi nhận thực tế của phóng viên), thế nhưng giáo viên (tên Trang) lại khẳng định chỉ có 15 em.

Để chứng minh đúng sai, phóng viên yêu cầu tiếp cận sổ theo dõi hoạt động trẻ hàng ngày, hàng tháng, cũng như hóa đơn thu tiền học phí, lúc này cô Trang tỏ vẻ ấp úng bao biện: “Mỗi ngày cô Thúy chủ cơ sở đều đã điểm danh vào buổi sáng rồi sau đó mang sổ về luôn, hôm nay gần cuối tháng nên có thể cô Thúy mang về cộng sổ”.

Ngoài ra, các giấy tờ liên quan đến chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, PCCC, thẩm định đủ tiêu chuẩn của phòng giáo dục, đề án thành lập nhà trẻ, lớp trẻ, nhóm trẻ cùng chứng chỉ quản lý… đều không có.

Nhà vệ sinh so với tiêu chuẩn chung quá nhỏ và hẹp.

Tiếp tục có mặt tại cơ sở Họa Mi, do cô Nguyễn Thị Hồng làm chủ. Tại đây, cô Hồng công nhiên “lòe” cơ quan ngôn luận khi thông tin về số lượng trẻ quản lý là 28 em, tuy nhiên, khi phóng viên ghi nhận thực tế số trẻ lên 38 em.

Đặc biệt, diện tích chỉ 40m2 nhưng gần 40 trẻ bị “nhồi” trong phòng. Tại đây, các nhóm trẻ không được chủ cơ sở Họa Mi phân lớp, tình trạng học góp, học gộp diễn ra khá lâu khiến chất lượng giáo dục không đảm bảo.

Trẻ nằm nghiêng người, có trẻ phải nằm sấp để dễ ngủ vì quá chật chội.

Qua trao đổi trực tiếp, cô Hồng thừa nhận còn nhiều thiếu sót khi mở trường như: Thiếu bằng quản lý, thiếu giáo viên, thiếu kiểm định PCCC, thiếu bản vẽ chi tiết, sơ đồ thiết kế trường, nhật ký theo dõi trẻ, kiểm định chất lượng giáo dục…

Điều đặc biệt, cả 6 cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập mỗi tháng thu từ 600 – 700 nghìn đồng, nhưng tất cả đều không xuất trình được hóa đơn thu tiền học phí và các khoản phụ trợ khác. Việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với cơ quan Nhà nước tại các cơ sở này như thế nào? Việc thu chi, nộp thuế có thực sự minh bạch?

Ngoài ra các vấn đề như diện tích phòng học, cơ sở vật chất phục vụ trẻ vô cùng “thiếu thốn”; việc trộn lẫn các lứa tuổi, không chia nhóm trẻ, lớp mẫu giáo là những tồn tại phổ biến trên 6 cơ sở nêu trên.

“Thách thức” ngôn luận

Ngay khi báo chí vào cuộc, chính quyền xã Phú Nghĩa không những không vào cuộc xử lý các cơ sở, dẫn đến tình trạng các chủ cơ sở “thách luật”, chống đối diễn ra “công khai”.

Trực tiếp ghi nhận tại cơ sở Ngôi Sao Nhí do anh Cảnh Chi Trọng quản lý, khi phóng viên kết hợp cùng chính quyền xuống ghi nhận thực tế, tại đây, giáo viên phản hồi “khó chịu”, “lấp liếm” thậm chí tỏ thái độ bất hợp tác.

Cô Nguyễn Thị Liên đã không thiện chí khi PV vào tìm hiểu sự việc: "Đây là thông tin cá nhân, chủ cơ sở có cũng không thể cung cấp công khai thông tin cho báo chí, hồ sơ tôi để trên xã anh (PV) tự lên lấy”?!

Khi phóng viên yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến việc thành lập lớp trẻ, nhóm trẻ như: Đề án thành lập trường; Tờ trình xin cấp phép nhà trường, nhà trẻ tư thục trong hoạt động giáo dục; Chương trình và kế hoạch phát triển của lớp, nhóm, trường khi được cấp phép; Sổ sách phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Sổ theo dõi hàng ngày về sức khoẻ, đánh giá trẻ; Sổ chuyên môn; Sổ theo dõi tài sản của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo...

Tuy nhiên, thay vì hợp tác, cô Nguyễn Thị Liên “đấm luật” cho rằng “đây là thông tin cá nhân, chủ cơ sở có cũng không thể cung cấp công khai thông tin cho báo chí, hồ sơ tôi để trên xã anh (PV) tự lên lấy”?!

Với thái độ “bất hợp tác” của cơ sở Ngôi Sao Nhí, phóng viên tiếp tục điều tra phát hiện thấy sai phạm “khủng”. Tháng 6/2018, cơ sở này được xã Phú Nghĩa cấp giấy phép hoạt động, thế nhưng, đối chiếu bảng theo dõi sức khỏe của trẻ năm học 2017 – 2018 lại chứng minh chủ cơ sở Ngôi Sao Nhí đã “tự ý” hoạt động “chui” trước khi có quyết định một thời gian dài.

Một điều đặc biệt, 2 giáo viên nơi đây khẳng định, cơ sở có 40 trẻ, thế nhưng, bảng theo dõi sức khỏe từ tháng 12/2017 – tháng 4/2018 tại cơ sở này chỉ đánh giá 19 trẻ.

Chính quyền xã Phú Nghĩa có hay không "bảo kê", móc nối và đồng bộ hóa toàn bộ hồ sơ cho 6 cơ sở mầm non tư thục hoạt động?

Phải chăng những bảng biểu này chỉ mang tính chất “đối phó” qua mặt phụ huynh và cơ quan chức năng?

Ngoài những vấn đề trên, số lượng giáo viên cũng bị “phanh phui”. Tại thời điểm phóng viên ghi nhận cơ sở trên chỉ có 2 giáo viên, trái với lời khẳng định 4 giáo viên như cô giáo Liên khẳng định.

Vậy, 2 giáo viên được đề cập bỗng chốc “sủi tăm”? Lý do gì để cô Liên không cung cấp hồ sơ giáo viên cho phóng viên?

Để khách quan, chúng tôi tiếp tục yêu cầu cô Liên cung cấp hồ sơ của các giáo viên trên, tuy nhiên, mọi cố gắng của phóng viên cũng chỉ nhận được phản hồi “thách luật”: “Đó là thông tin cá nhân ‘mật’ không cung cấp được ra bên ngoài, các anh muốn thì tự tìm hiểu”.

Gần 20 phút tiếp cận cô Liên, chúng tôi không nhận được sự hợp tác nào. Liệu rằng với một chủ cơ sở mầm non như vậy, phụ huynh các bé có thật sự yên tâm hay không?

Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi cùng loạt nghi vấn về chất lượng đào tạo của 6 cơ sở và trình độ giảng dạy cũng như giáo dục của các giáo viên nơi đây?

Tại sao 6 cơ sở luôn kiếm cớ từ chối cung cấp hồ sơ cho báo chí? Có hay không sự “chống lưng” thậm chí “bảo kê”, móc nối của chính quyền xã trong câu chuyện này?

Với vô số lỗ hổng có thể “chỉ mặt đặt tên” thì Quyết định thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên được phép tồn tại?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết 6 cơ sở mầm non sai phép ở Chương Mỹ: Chính quyền có làm ngơ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.