Thứ năm, 28/03/2024 21:18 (GMT+7)

Tất tần tật những điều cần biết về Tết Nguyên tiêu 2019

MTĐT -  Chủ nhật, 17/02/2019 12:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tết Nguyên tiêu (ngày rằm tháng Giêng) là một trong những ngày rất quan trọng đối với văn hóa, tín ngưỡng của người dân Việt Nam.

Dưới đây là tất cả những điều cần biết về Tết Nguyên tiêu và ý nghĩa của ngày tết đó. 
Nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu

Có khá nhiều giai thoại, câu chuyện được truyền miệng để lí giải cho nguồn gốc của ngày Tết Nguyên tiêu.

Một trong những câu chuyện phổ biến nhất đó là giai thoại về một con thiên nga của thiên đình.

Cụ thể, một hôm nọ, con thiên nga của thiên đình bay xuống hạ giới chơi và liền bị một người bắn chết. Đó cũng là con thiên nga mà Ngọc hoàng vô cùng yêu quí nên khi nghe tin, Ngọc hoàng vô cùng nổi giận.

Vào ngày 15 tháng Giêng, tất cả các nhà đều treo đèn lồng đỏ nên đã tránh được hỏa hoạn. (Ảnh minh họa: Yêu Nhiếp Ảnh).

Ngay lập tức, ngài đã một đội quân đến đúng ngày 15 tháng Giêng âm lịch xuống thiêu trụi mọi thứ ở trần gian.

Rất may trong lúc đó, một vị quan trên Thiên đình nghe thấy, không đồng ý với cách làm có phần hơi "nóng nảy" của Ngọc hoàng nên ông đã bay xuống trần gian, bày cách cho người dân dưới hạ giới.

Theo lời của vị quan này, vào đúng ngày 15 tháng Giêng, nhà nào cũng treo đèn lồng màu đỏ ở ngoài hiên nên khi nhìn từ trên cao xuống Ngọc hoàng cứ nghĩ lệnh phóng hỏa được thi hành.

Trần gian thoát được nạn hỏa hoạn. Từ đó, cứ đến ngày này, người dân tại Trung Quốc đồng loạt treo đèn lồng, vừa để tránh tai họa, vừa để nhớ ơn vị quan đã giúp đỡ họ tránh thảm họa diệt vong.

Ngoài ra, trong dân gian còn lưu truyền một sự tích lí giải về dịp Tết Nguyên tiêu khác đó là:

Xa xưa, cung vua được canh phòng cẩn mật nên các cung nữ vào dịp Tết nhớ nhà, nhớ cha mẹ da diết những cũng không làm cách nào để ra gặp mặt mọi người được.

Một cung nữ tên là Nguyên Tiêu cũng rơi vào cảnh tương tự, quá cô đơn lại buồn cho số phận nên nàng đã tìm đến một cái giếng toan kết liễu cuộc đời.

May thay, Đông Phương Sóc, một quan dưới thời Hán Vũ Đế thấy vậy và đã cứu sống.

Để giúp cô cung nữ được gặp cha mẹ, Đông Phương Sóc đã nghĩ ra kế: Ông bày một bàn bói quẻ trên phố và tất cả những người đến bói đều nhận được một quẻ có dòng chữ "16 tháng Giêng bị lửa thiêu".

Sau đó, ông nói thêm với những người đến coi quẻ rằng: Tối ngày 13 tháng Giêng Ngọc hoàng sẽ sai một tiên nữ áo đỏ giáng trần để hỏa thiêu toàn dãy phố. Và người nào muốn sống, hãy tâu lên nhà vua để tìm cách thoát nạn.

Được tin từ người dân, Hán Vũ Đế vội triệu quan Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó.

Đông Phương Sóc giả vờ suy nghĩ một lúc rồi tâu với vua: Nghe nói thần lửa thích ăn bánh trôi, trong cung có cung nữ Nguyên Tiêu khéo tay, có thể giao cho cô làm bánh đãi thần để xoa dịu thần linh.

Đồng thời, ông góp ý nhà vua nên ban lệnh cho dân chúng Tràng An đến ngày đó mỗi nhà phải treo trước cửa một chiếc đèn lồng đỏ để Ngọc Hoàng tưởng lầm thành Trường An dưới trần đang bị lửa thiêu.

Đến ngày đó, không có chuyện gì xảy ra nên nhà vua tưởng kế của Đông Phương Sóc đã ứng nghiệm.

Nhà vua đã thưởng công cho cung nữ Nguyên Tiêu bằng cách cho nàng về thăm gia đình. Và từ đó, ngày 15 tháng Giêng thành ngày Tết Nguyên tiêu (theo tên gọi của cung nữ), bánh trôi cũng trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày này.

Ý nghĩa của Tết Nguyên tiêu

Tết Nguyên tiêu bắt đầu từ giữa đêm 14 (đêm trước Trăng Rằm) cho đến nửa đêm 15 tháng Giêng Âm lịch.

Từ câu chuyện về nàng cung nữ tên Nguyên Tiêu nói trên mà Tết Nguyên tiêu mang ý nghĩa về sự đoàn tụ, đoàn viên gia đình.

Trong dịp này, các gia đình thường xuyên chuẩn bị mâm cúng thần Phật, gia tiên.

Vào ngày này, nhiều thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau, nấu ăn, hàn huyên nói chuyện, sau đó cùng thưởng trà, ăn bánh trôi nước và ngắm trăng.

Không chỉ là dịp để các thành viên quây quần bên nhau, ngày rằm tháng Giêng còn là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần, Phật, đối với gia tiên.

Ngoài ra, ngày rằm tháng Giêng còn được gọi là “Tết muộn” bởi ngày lễ này diễn ra ngay sau Tết Nguyên Đán. Ngày này còn là dịp để các gia đình không may có người thân bị ốm, hay đi vắng vào vào đúng dịp Tết Nguyên Đán có cơ hội để đón “Tết bù”.

Vì sao phải bị hai mâm cúng ngày rằm tháng Giêng?

Theo tín ngưỡng Phật giáo, ngày 15 tháng Giêng còn được coi là ngày Đức Phật giáng lâm. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn, vào ngày này người dân thường chuẩn bị lễ cúng Phật song song với lễ cúng gia tiên.

Tùy theo điều kiện, tập tục của từng địa phương, hoàn cảnh của từng gia đình mà mâm cỗ cúng Phật, cúng gia tiên có sự bày trí, khác nhau.

Tuy vậy, những cúng phẩm bắt buộc phải có trên mâm cúng đều phải có mâm quả, hoa tươi, đèn, nến, hương.

Với mâm cúng Phật, gia chủ chỉ cần chuẩn bị hoa quả tươi, nước sạch. Nếu có điều kiện, có thể chuẩn bị một mâm cỗ chay đơn giản.

Với mâm cúng gia tiên, người dân có thể chuẩn bị các món mặn truyền thống như giò, chả, gà, thịt lợn, rau xào... hoặc có thể chuẩn bị các món chay.

Cần lưu ý, 2 mâm cúng không được để chung mà phải tách biệt. Mâm cúng Phật để trên, mâm cúng gia tiên để dưới.

Cúng rằm tháng giêng bằng 4 mâm cỗ ngoài trời

Ngoài mâm cúng trong nhà, trong ngày Tết Nguyên tiêu, người dân cần chuẩn bị 4 mâm cỗ cúng đơn giản ngoài trời.

Mâm cúng rằm tháng Giêng ngoài trời nên chuẩn bị đơn giản. (Ảnh: PLO).

Cụ thể, mâm thứ nhất đặt ở hướng Tây hoặc ban thờ Phật.

Mâm cỗ thứ hai quay về hướng Đông để thờ các vị vua và các vị Trạng nguyên, tưởng nhớ câu chuyện của các vị vua và trạng thời xưa.

Mâm cỗ thứ ba đặt ở hướng Nam để thờ các vị thần tiên như Long thần, Thổ địa, Thổ công, Táo quân…

Mâm cỗ thứ tư thờ Thượng đế và đặt ở hướng Bắc.

Những mâm cỗ ngoài trời không cần phải chuẩn bị quá cầu kì, mâm cao cỗ đầy.

Theo đó, mâm lễ Phật phải là cỗ chay. Nếu các gia đình không có điều kiện thì chỉ cần đặt một chén nước, đĩa hoa quả nhỏ.

Mâm cúng thượng đế cũng chỉ cần một bát nước trắng, hoa tươi...

Phía trên là toàn bộ những điều cần biết về ngày Tết Nguyên tiêu.

Theo Mai Trịnh (TH)/Đời sống & Pháp lý

Bạn đang đọc bài viết Tất tần tật những điều cần biết về Tết Nguyên tiêu 2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.