Thứ bảy, 20/04/2024 18:07 (GMT+7)

Long đong phận người mưu sinh nơi bãi rác

Mai Trung -  Thứ tư, 16/01/2019 09:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Họ là những người nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc, đành bán sức khỏe cho môi trường ô nhiễm để tồn tại với cuộc sống này…

Khi Tết Nguyên đán đã cận kề, PV Môi trường & Đô thị điện tử đã tìm đến bãi rác ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai - nơi mà mỗi ngày có hàng chục con người vì mưu sinh đang phải dầm mình với bao nhiêu chất độc hại. Người thì tìm một vài bộ quần áo cũ người ta đã vứt bỏ, người thì đốt rác lấy tro xỉ trồng rau, người thì thu gom những vật thải bằng nhựa, người thì nhặt túi nylon, giấy cacton về bán… Dù biết rằng, bãi rác chính là nơi ươm mầm của biết bao loại bệnh.

Bà H’Lâm - một người dân ở xã Tân Sơn, thành phố Pleiku đi bộ trên quãng đường hơn 6km để vào đây để bới rác. Bà chia sẻ “cứ khi nào rác đổ về đây thì tôi lại tranh thủ đi nhặt ít quần áo cũ, mũ len rồi đem về giặt sạch cho con cháu mặc. Nhiều đồ ở đây tốt lắm…”.

Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước những lời tâm sự của bà. Từ trước đến nay, cứ tưởng họ đến bãi rác chỉ để tìm vài thứ lặt vặt bán cho hàng đồng nát, kiếm thêm thu nhập, không nghĩ rằng còn biết bao thứ mà người khác vứt đi lại có giá trị sử dụng cho nhiều gia đình nghèo khó. Chung quanh bãi rác rộng lớn này, mỗi người đều đang cần mẫn với công việc của mình. Ở một góc, đôi vợ chồng chăm chú xúc từng xẻng tro đốt được từ rác. Nhìn họ lấm lem trước khói bụi mù mịt, chỉ hai con mắt là sáng mà chạnh lòng. Vì không có tiền để mua phân bón, họ đành ra bãi đốt rác lấy tro xỉ trồng rau. Số phân vi sinh ít ỏi này cũng giúp cho những luống rau của gia đình khi ra chợ tươi ngon hơn, có thêm vài ngàn đồng mua thức ăn cho con trẻ.

Rác không hoàn toàn là thứ bỏ đi.

Là người ở gần trung tâm bãi rác nhất nên ông Puith hầu như có mặt ở đây hàng ngày. Muốn hỏi ông vài câu nhưng già rồi lại nặng tai nên nói chuyện cứ như hét vào tai ông mới nghe được. “mình lượm ít giấy về bán kiếm mấy đồng ăn cơm thôi”- ông cười một cách vô tư mà chẳng hề biết rằng, mỗi ngày ông đều phải hít vào bao nhiêu chất độc hại được thải ra từ bãi rác này.

Ông Puih nhặt giấy ở bãi rác.

Trao đổi với ông Nhút ở làng Choét 2, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, ông cho biết, phải lội bộ hơn 16km vào đây chỉ để nhặt bao bì bằng nylon về bán. “Mỗi kg nylon bán được ba ngàn đồng. Nếu làm không ngơi nghỉ thì mỗi ngày nhặt được khoảng 60kg, chỉ để đủ nuôi con”. Ông cũng cho biết thêm nhà không có ruộng hay vườn gì hết nên đành phải kiếm cơm bằng cách này.

Chỉ hơn 20 phút ở bãi rác và trò chuyện với những người mưu sinh nơi đây mà chúng tôi cảm thấy bị ngột ngạt bởi mùi hôi thối, ruồi muỗi. Vậy mà với họ, những con người hàng ngày sống cùng rác thải, đôi bàn tay luôn phải bới móc để tìm thứ mà nhiều gia đình bỏ đi, tìm phế phẩm trong tất cả phế phẩm để nuôi sống gia đình mà chua xót biết bao…

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Công Minh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh - cho biết “Nơi này là khu đổ rác tập trung của xã Nghĩa Hưng và huyện Chư Păh. Lượng rác được thu gom về đây theo các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy trong tuần. Vì nghèo khó nên một số người tập trung ra đây nhặt nhạnh những thứ còn có giá trị đem bán để mưu sinh”.

Đốt rác lấy tro xỉ trồng rau.

Cố tìm lại thứ gì còn dùng được

 Muôn màu mưu sinh nơi bãi rác.

Tuy nhiên, “sắp tới theo quy hoạch của tỉnh về du lịch tại khu núi lửa Chư Đăng Yă thì bãi rác này sẽ phải thôi hoạt động nhằm đảm bảo môi trường sinh thái tại đây”.

Quả là cuộc sống này còn đầy những chênh vênh. Trong khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân dân thừa mứa trên những bàn tiệc, mua sắm không tiếc tiền thì vẫn còn một góc khuất trong cuộc đời những con người đang phải gồng mình với bệnh tật để tìm kiếm sự thừa mứa mà người khác vất đi. Rồi đây, khi bãi rác này đóng cửa, những phận người sẽ đối mặt với muôn ngàn khó khăn dù biết rằng mưu sinh nơi bãi rác là việc chẳng đặng đừng…

Con đường trở về thành phố sao mà xa tít tắp. Nhiều gia đình đã và đang náo nức chuẩn bị cho một cái Tết Nguyên đán sung túc, đủ đầy. Chúng tôi cứ mãi vấn vương với những gì mình đã nghe, đã thấy.

Biết đến bao giờ mới hết những con người long đong mưu sinh nơi bãi rác?

Bạn đang đọc bài viết Long đong phận người mưu sinh nơi bãi rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất