Thứ năm, 18/04/2024 09:07 (GMT+7)

Lần đầu hé lộ 'chuyện tình thế kỉ” nên duyên từ bãi rác

Thảo Phương -  Thứ ba, 11/09/2018 13:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ở cái tuổi gần đất xa trời, dù không nhà cửa, không con cái nhưng họ vẫn có một thứ mà nhiều người mơ ước, đó là tấm chân tình và lời hẹn “có chết cũng bám lấy nhau".

 'Vợ nhặt'

“Gặp nhau từ thửa bơ vơ/ Xây một tổ ấm giấc mơ đã thành”, chuyện tình 49 năm của cặp vợ chồng già nên duyên từ bãi rác đã được đúc rút thành câu thơ do chính người trong cuộc làm ra.

Ông Thành quê Nghệ An, bà Thủy quê Thái Bình. Cả hai đều mồ côi cha mẹ và phải mưu sinh từ bé. Nơi đầu tiên họ nhìn thấy nhau là ở bãi rác Hà Nội. Đi nhặt rác cùng nhau, tranh giành rác với nhau, đến một ngày họ quyết về chung một nhà.

Hôn nhân không cưới xin, không trầu cau, chỉ có lời ngỏ hôn của ông Thành: “Bà về ở với tôi đi cho đỡ phải tranh giành rác của nhau”. Sau hơn 40 năm phiêu bạt khắp các hang cùng ngỏ hẻm của Thủ đô, đầu năm 2012, cặp vợ chồng già đã tìm được điểm dừng chân, đó là bãi giữa sông Hồng.

Chiếc lều nổi, nơi trú ngụ của cặp vợ chồng già. Những ngày mưa bão, ông bà lại kéo lên bờ, hết bão lại thả xuống. 

Chẳng thể dựng được lều giữa vùng đất cát, hai ông bà kết bè dựng thành chiếc lều nổi, bên trên lợp vài tấm tôn, xung quanh kết đủ các thứ nilon, bao tải để tránh mưa, tránh gió.

Có lẽ thứ đáng giá nhất trong căn nhà nổi giữa sông Hồng của cặp vợ chồng già là những tấm ảnh cưới mà nhiếp ảnh gia tặng ông bà. Trong không gian gần 3 mét vuông, có một bàn thờ nhỏ trên cao, một chiếc khay uống nước bé xinh và hai chiếc điều cày song song. Ông một cái, bà một cái, không ai giành ai.

Ông Thành rít điếu thuốc lào rồi phân trần: “Thời đó, yêu đương gì, miếng ăn còn không đủ no. Đó là tình thương, có thương nhau mới ở được với nhau đến tận bây giờ con ạ”.

Ông Thành ngồi thẫn thờ kể cho tôi nghe về cuộc sống mưu sinh, có vất vả nhưng tình thương thì luôn đong đầy. 

Từ ngày dựng được cái lều nổi ở bãi giữa sông Hồng, ông thương bà chân tay yếu nên để bà ở nhà, một mình cặm cụi nhặt rác mưu sinh. Cứ 10h đêm, ông Thành lại vác bao tải lên đường, men theo cây cầu vắt qua thế kỉ vào thành phố nhặt rác rồi bán cho các cơ sở thu mua phế liệu.

“Phải đi vào buổi tối may ra mới nhặt nhành được vài thứ, kiếm lấy đôi ba chục nghìn mua gạo. Còn bà ấy sức khỏe yếu, ở nhà phụ tôi cơm nước với chăm con gà là tốt rồi”, ông lão nói với chúng tôi.

 Có chết cũng phải bám lấy nhau

Ngày nào, bà cũng chờ ông đi làm về rồi cùng nhau nấu cơm. Hai ông bà không có con cái, sống dựa vào nhau. Cuộc sống có nghèo đói, có lúc cơm ăn không no, chăn đắp không đủ ấm. Nhưng cặp vợ chồng già ấy chưa một lần cãi vã. Cho đến cuối đời, ông bà vẫn dành cho nhau những quan tâm, chăm sóc chân thành.

Hôm nay đến thăm vợ chồng ông, tôi mới biết bà bị bệnh phải đi viện. Đôi mắt của bà bị hỏng hết, bác sĩ bảo phải mổ hoặc nếu chữa để bà không cảm thấy đau, nhưng bà cũng không thể nhìn thấy ánh sáng được nữa.

Ông thẫn thờ tâm sự: “Nói thật với con, hai vợ chồng hơn 80 tuổi rồi, con cái không có, sống tương trợ nhau, nhặt rác. Đến bây giờ, bà bị hỏng hết hai con mắt, tôi cũng không biết phải sống sao. Từ sáng đến giờ tôi nghe điện dưới nhà gọi lên mà tôi chỉ biết khóc thôi, ở với nhau nửa thế kỉ rồi, vợ mình chứ ai đâu mà không buồn”.

Giá mà tôi khấm khá thì bà ấy còn được nương nhờ lúc tuổi già. Nhưng bà ấy rất cảm thông, chưa bao giờ than vãn nửa lời. Tôi mến cái tâm đức của bà ấy ở chỗ đó”, nói đến đây, ông Thành bất giác thở dài

Tài sản quý giá của ông bà chỉ là những tấm ảnh kỉ niệm mà mọi người đến chơi chụp cùng.

Rời túp lều của cặp vợ chồng già, nhiều người không khỏi vấn vương với tiếng rít thuốc lào giòn tan của ông Thành và đặc biệt là câu chuyện tình cảm động của vợ chồng “nhặt’’ được nhau ở bãi rác.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, dù không nhà cửa, không con cái nhưng họ vẫn có một thứ mà nhiều người mơ ước, đó là tấm chân tình và lời hẹn “có chết cũng phải bám lấy nhau”.

Bạn đang đọc bài viết Lần đầu hé lộ 'chuyện tình thế kỉ” nên duyên từ bãi rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.