Thứ bảy, 20/04/2024 12:32 (GMT+7)

Giá trông xe cao ngất, người Hà Nội chuyển sang đi Uber, Grab

MTĐT -  Thứ bảy, 06/01/2018 11:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội áp dụng tăng mức giá vé gửi xe tại nhiều quận trung tâm thành phố. Biện pháp này đã nhanh chóng phát huy tác dụng, tuy nhiên Uber, Grab lại thi nhau nở rộ.

Nhằm hạn chế sự gia tăng của các phương tiên cá nhân, từ 1/1/2018, Hà Nội đã áp dụng tăng mức giá vé gửi xe tại nhiều quận trung tâm thành phố. Biện pháp này đã nhanh chóng phát huy tác dụng, tuy nhiên xe cá nhân giảm nhưng lượng xe Uber và Grab lại nở rộ.

Theo quyết định mới, phí sử dụng lòng đường hè phố sẽ tăng khoảng 300% đối với các tuyến phố cần hạn chế, hầu hết nằm trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Các khu vực tính từ trung tâm thành phố đến đường vành đai 3 cũng tăng dao động từ 130-250%; giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành.

Vì vậy, nhiều chủ xe đã phải lựa chọn taxi công nghệ như Grab và Uber làm phương tiện đi lại cho giảm chi phí bãi đỗ, xăng xe.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố là 91,1ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị, mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe. Trong khi đó, hiện Hà Nội có khoảng 5,5 triệu phương tiện, mỗi năm tăng thêm 17% lượng ôtô, 11% lượng xe máy tạo nên áp lực giao thông rất lớn.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc tăng giá để người dân cân nhắc khi sử dụng phương tiện, từ đó đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, thúc đẩy vận tải công cộng phát triển.

Một số chuyên gia giao thông cho rằng, ùn tắc giao thông đang là vấn nạn tại các đô thị trên thế giới. Ngoài các giải pháp phát triển hạ tầng, vận tải công cộng, thu phí vào nội đô giờ cao điểm, ứng dụng giao thông thông minh.. thì việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe cũng là một biện pháp mạnh để hạn chế xe cá nhân.

Nhiều người lựa chọn Uber, Grab thay vì đi xe riêng.

“Xe cá nhân sẽ giảm nhưng hiện nay lượng xe Grab, Uber đang ‘nở rộ’ dù các tỉnh thành đều đủ khả năng và thẩm quyền để khống chế về số lượng xe thí điểm hợp đồng điện tử này. Do đó, việc hạn chế xe cá nhân chỉ giảm được quá ít. Cái quan trọng đó là số lượng xe máy hiện đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và là một trong các thủ phạm gây ùn tắc giao thông đô thị trong bối cảnh hạ tầng chưa được cải thiện nhiều,” vị chuyên gia này phân tích.

Hơn nữa, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia cũng nhìn nhận, hạ tầng hiện nay không đủ sức để gánh thêm lượng xe buýt gia tăng trên mặt đường. Xe buýt chỉ là kết nối với các tuyến đường sắt đô thị. Do đó, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị khối lượng lớn đã được phê duyệt và quy hoạch đi qua các quận mới là giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Mới chỉ vài ngày quyết định tăng giá vé trông xe được đưa vào áp dụng, nhưng đã ngay lập tức tác động đến các chủ phương tiện. Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Phạm Văn Đức cho biết, ít ngày qua, lượng xe đỗ gửi tại các bãi do đơn vị trông giữ đã có dấu hiệu sụt giảm.

“Một số người cho biết sẽ không dùng xe cá nhân đi làm nữa; số khác thì bày tỏ họ đang tìm kiếm các bãi gửi với giá cả phù hợp hơn” - ông Đức thông tin.

Thực tế tại một số tuyến phố thuộc các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa cho thấy, nhiều bãi gửi đã thưa bớt ô tô con trong khi lượng xe máy không giảm rõ rệt do giá gửi không quá cao.

 Anh Trần Xuân Tiến (Hà Đông) chia sẻ: “Tôi thường dùng ô tô để đi làm hàng ngày trong trung tâm TP. Nhưng do nhu cầu đi lại không cao, ngày chỉ 2 lượt đi về nên chi trả mức giá gửi xe lên đến trên 3 triệu đồng/tháng là không phù hợp. Tôi đang cân nhắc giữa xe buýt và Grab, Uber để thay thế xe riêng”.

Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận, biện pháp tăng giá trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường, đặc biệt là tại các quận lõi đô thị đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Mục đích tăng là để hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông, nhằm giảm UTGT. Nhìn vào thực tế, sau khi tăng giá trông giữ, lượng xe ra vào trung tâm TP sụt giảm nghĩa là biện pháp trên đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều người lại tỏ ra lo ngại, giảm được xe cá nhân nhưng loại hình taxi công nghệ (Grab, Uber…) chưa được quản lý chặt chẽ, giá cước lại thấp nên nhiều người dân khi từ bỏ xe cá nhân sẽ hướng đến lựa chọn loại hình này, lại làm gia tăng đáng kể áp lực giao thông cho TP.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Dự thảo quy chế quản lý taxi trên địa bàn Thủ đô, trong đó đưa taxi công nghệ vào quản lý như taxi truyền thống, đã được UBND TP thông qua và đang gấp rút tiến hành các bước thủ tục cuối cùng để ban hành. Khi đã áp dụng quy chế quản lý mới, sẽ không có chuyện Grab, Uber… được tự do ra vào phố cấm, giờ cấm, gây áp lực cho giao thông Hà Nội”.

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng, Sở GTVT và các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm minh các điểm trông giữ xe tự phát, trái phép, đặc biệt là ở khu vực trung tâm TP. Nếu tăng giá ở các bãi có cấp phép mà lại để các bãi không phép mọc tràn lan, thu giá rẻ hơn sẽ khiến một trong những giải pháp hạn chế xe cá nhân bị vô hiệu hóa.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Giá trông xe cao ngất, người Hà Nội chuyển sang đi Uber, Grab. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ