Thứ năm, 18/04/2024 18:02 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/12/2018

MTĐT -  Thứ ba, 11/12/2018 10:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/12/2018. Tin tức đô thị mới nhất ngày 12/12/2018 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

TP.HCM cấm xe tải nặng lưu thông phục vụ người hâm mộ xem bóng đá

Sở GTVT TP.HCM cho biết nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ người dân ủng hộ đội tuyển Việt Nam đá chung kết giải AFF Cup 2018, thành phố sẽ cấm một số phương tiện lưu thông các tuyến đường trung tâm.

Cụ thể, từ 19h30 đến 24h ngày 11 và 15/12, hạn chế tất cả phương tiện taxi, xe dưới 9 chỗ hoạt động thí điểm theo hình thức hợp đồng điện tử vào khu vực trung tâm thành phố.

Từ 22h - 24h ngày 11 và 15/12, cấm tất cả xe tải nặng lưu thông vào khu vực quận 1, 3, 5 (hành lang của các tuyến đường Ngô Nhân Tịnh - Trang Tử - Nguyễn Thị Nhỏ - Nguyễn Chí Thanh - Hùng Vương - Lý Thái Tổ - Điện Biên Phủ - Nguyễn Thượng Hiền - vòng xoay Công trường Dân Chủ - Lý Chính Thắng - Hai Bà Trưng - cầu Kiệu - Hoàng Sa - cầu Thị Nghè - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt - Ngô Nhân Tịnh).

Hà Nội yêu cầu thu hẹp rào chắn, đảm bảo ATGT dịp Tết

Ban ATGT TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm công tác bảo đảm an toàn giao thông trước, trong và sau dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân năm 2019.

Trong khoảng thời gian này, Sở GTVT và các đơn vị liên quan phải phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong công tác tổ chức giao thông, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tham gia giao thông, tránh xảy ra ùn tắc tại các vị trí có công trình đang thi công; Phối hợp với các chủ đầu tư và đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông hoàn thành trong năm 2018, đặc biệt là các công trình trọng điểm, cấp bách nhằm giảm thiểu ùn tắc.

Đối với các công trình có thời gian thi công kéo dài, Ban ATGT TP Hà Nội yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, thu hẹp rào chắn, tổ chức giao thông, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Công an TP. Hà Nội được yêu cầu bố trí lực lượng bảo đảm ATGT, an ninh trật tự; phương án bảo đảm an ninh trật tự các khu vực công cộng diễn ra các hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa, văn nghệ chào đón năm mới 2019 trên địa bàn thành phố. Ngoài 6/37 điểm ùn tắc đã tập trung xử lý trong 10 tháng đầu năm 2018, khẩn trương tập trung xử lý các điểm ùn tắc còn lại.

Sau giao đất, gần 20% dự án tại Ninh Bình chậm tiến độ

Theo thống kê của UBND tỉnh Ninh Bình, từ năm 2014 tới hết năm 2017, đã có 123 dự án được giao đất để triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong số này, 24 dự án đang ở tình trạng chậm tiến độ.

Báo cáo của UBND tỉnh gửi Đoàn giám sát – Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh cho biết, từ 1/7/2014 (thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) tới 31/12/2017, tỉnh đã phê duyệt, cấp chủ trương đầu tư hơn 150 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 22.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 12/2017, có 123 dự án được giao đất.

Trong đó, 99 dự án đã và đang triển khai đúng tiến độ theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Còn lại, 24 dự án sau khi được chấp thuận chủ trương, nhà đầu tư chưa triển khai hoặc có triển khai nhưng không tích cực, dẫn tới dự án chậm tiến độ (10 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch, an sinh xã hội; 1 dự án FDI; 1 dự án nông nghiệp và 12 dự án thuộc lĩnh vực công thương).

Điểm nhanh một số dự án đáng chú ý như sau. Thứ nhất, là dự án đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao Tràng An (phường Văn Giang, TP Ninh Bình) do DN tư nhân xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư. Quy mô chiếm đất 1,1ha, thời hạn sử dụng đất 50 năm, tổng mức đầu tư lên tới 2.018 tỷ đồng, dự án mới chỉ được giải ngân 200 tỷ (thời điểm cuối năm 2017).

Lý do dẫn tới việc chậm tiến độ của Xuân Trường tại dự án này là phần diện tích cho dự án là đất thư viện tỉnh cũ, nhưng do chưa bố trí được vị trí để xây dựng thư viện mới nên nhà đầu tư chưa triển khai được.

Tiếp đến, là công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình – một thành viên của Xuân Thành Group - đang chậm tiến độ tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy khoáng sản Xuân Thiện (quy mô 5,01ha) tại huyện Nho Quan.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 568 tỷ đồng (thời hạn đến 2059). Nhưng tới cuối tháng 12.2017, dự án mới chỉ được rót chừng 7,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân, theo UBND tỉnh Ninh Bình, là khu vực hành lang an toàn cho công tác nổ mìn khai thác, khu vực tập kết vật liệu khai thác, khu vực xây dựng cảng sông công ty chưa được thuê… UBND tỉnh thông tin về dự án như sau: Hiệu quả chưa đạt nhu cầu mong muốn. Còn nợ ngân sách đến 31.12.2017 gần 3,8 tỷ đồng – một khoản tiền quá “bèo” so với thực lực của Xuân Thiện Ninh Bình.

Luật Thủ đô có tác dụng tích cực trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, sau 5 năm các quy định của Luật Thủ đô đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô. Việc thực hiện Luật bước đầu đã tập trung huy động được nguồn lực to lớn của xã hội, tác động tích cực đối với phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội… phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển. Thủ đô đang ngày càng khang trang, to đẹp, thân thiện hơn đối với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Cụ thể, các cơ chế đặc thù quy định trong Luật bước đầu đã giúp TP Hà Nội huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại-tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an, toàn xã hội.

Các quy định liên quan đến biện pháp bảo đảm quy hoạch, quản lý đất đai, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị đã được triển khai thực hiện. Các đồ án quy hoạch, quy chế, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy hoạch nông thôn mới, phủ kín toàn bộ diện tích rộng lớn của Thủ đô đã được phê duyệt, tạo hành lang pháp lý quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và chất lượng cuộc sống của nhân dân…

Một số cơ chế chính sách đặc thù của TP như: Xây dựng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, chính sách trọng dụng nhân tài, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn... đã được triển khai và có tác động tích cực. Các ngành, các cấp chính quyền đã quan tâm, tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quy định trong Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô, qua đó đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm của nhân dân Thủ đô.

Đồng thời, Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính-ngân sách cho Thủ đô về ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn viện trợ, định mức phân bố chi ngân sách địa phương, mức huy động vốn đầu tư phát triển, thưởng vượt dự toán thu ngân sách và đầu tư trở lại. Do vậy, tăng nguồn lực cho địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng đã có bước phát triển tích cực, đảm bảo quản lý ngân sách Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả…

Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, bên cạnh đó vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế, tồn tại trong thi hành các quy định Luật Thủ đô và các văn bản pháp luật liên quan như mục tiêu hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông đường bộ hiện đại; thực hiện chính sách giãn dân ra ngoại thành và các tỉnh, TP khác còn mang tính nguyên tắc, định hướng chung, chưa đảm bảo tính khả thi.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/12/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.