Thứ sáu, 29/03/2024 04:06 (GMT+7)

Tin đô thị ngày 28/3: Đổi mới công tác bảo trì đường bộ

MTĐT -  Thứ tư, 28/03/2018 19:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin đô thị ngày 28/3: Đổi mới công tác bảo trì đường bộ; Hoàng Mai xây dựng tuyến đê kiểu mẫu...

Tiền Giang gọi đầu tư dự án khu dân cư 469 tỷ đồng

Báo đấu thầu dẫn tin, trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch tỉnh Tiền Giang vừa cho biết, UBND tỉnh Tiền Giang đang kêu gọi đầu tư vào Dự án Khu dân cư Thạnh Trị với tổng chi phí thực hiện dự án 469,55 tỷ đồng.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất, được thực hiện trên xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Hiện tại khu đất này chưa giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Dự án sử dụng 100% vốn của nhà đầu tư. Mục tiêu của Dự án là đầu tư xây dựng khu dân cư đô thị mới đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị TP. Mỹ Tho.      

TP.HCM quy hoạch Cần Giờ mạnh về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và M.I.C.E

Theo cafeLand, UBND Thành phố vừa duyệt Nhiệm vụ tuyển chọn ý tưởng quy hoạch phát triển huyện Cần Giờ với diện tích tự nhiên toàn huyện là 70.421,58ha và diện tích Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ là 2.870ha.

Trong tương lai, huyện Cần Giờ sẽ trở thành một cực phát triển kinh tế mạnh của Thành phố về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, dịch vụ, resort, khách sạn...; hướng tới một khu vực kinh tế tri thức, thu hút hoạt động khoa học, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo phục vụ hoạt động kinh tế công nghệ cao...

Đồ án quy hoạch cần tạo các không gian mở, kết nối các khu vực quy hoạch với hệ thống cây xanh sinh thái, mặt nước, khai thác ưu thế về điều kiện môi trường tự nhiên; nghiên cứu giải pháp quy hoạch cho việc bố trí khu vực nhà tái định cư và nhà ở xã hội, phù hợp với sự thống nhất của quy hoạch tổng thể; phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật. phối hợp các nguồn lực kinh tế - xã hội vùng;

Xác định bán kính tiểu vùng TP.HCM lấy Cần Giờ làm trung tâm tiểu vùng, đề ra các giải pháp thực thi; bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, xây dựng thương hiệu rừng Cần Giờ như là Amazon của Việt Nam; tích hợp hài hòa giữa các yếu tố di sản, hiện hữu và yếu tố mới; đề xuất các giải pháp chuyển đổi sinh kế, không gian văn hóa,… cho người dân góp phần hòa nhập vào tình hình mới.

Hoàng Mai xây dựng tuyến đê kiểu mẫu

Báo nông nghiệp đưa tin, Hoàng Mai là một trong những địa phương của Hà Nội đi tiên phong trong phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu có hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Tuyến đê kiểu mẫu quận Hoàng Mai

Tuyến đê hữu Hồng, quận Hoàng Mai là đê cấp đặc biệt, chiều dài 8.410m. Phía Bắc giáp quận Hai Bà Trưng tại K70+500, phía Nam giáp huyện Thanh Trì tại K78+910. Trên toàn tuyến có một kè lát mái hộ bờ kè Thanh Trì, có 15 cửa khẩu, các cửa khẩu này đều được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép và có thanh phai để hoành triệt khi nước lũ lên cao. Ngoài ra còn có hệ thống giếng giảm áp gồm 90 chiếc đã đưa vào sử dụng.

hực hiện phong trào thi đua xây dựng tuyến đê kiểu mẫu do Bộ NN- PTNT phát động, năm 2017 quận Hoàng Mai đã tiến hành triển khai xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, nhờ vậy đê đảm bảo an toàn, hành lang sạch đẹp. Đi thực tế tại tuyến đê hữu Hồng, quận Hoàng Mai, các mái đê không còn có các điểm tập kết phế thải, rác thải, không có hiện tượng lấn chiếm hàng lang an toàn đê. Toàn tuyến đê được tô điểm thêm màu sắc của hoa, của cỏ một cách hệ thống, sạch sẽ, thông thoáng.

Huyện biên giới Vĩnh Hưng: Đường nhựa về đến 100% xã

Báo giao thông cho biết, hơn 40 năm trước, hệ thống giao thông huyện vùng sâu biên giới Vĩnh Hưng (Long An) hầu hết bằng đường thủy. Tuyến đường bộ huyết mạch duy nhất là ĐT831 nhưng cũng chỉ ở mức độ mặt đường là sỏi đá. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện, đến nay 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng đã có đường ô tô thảm nhựa đến tận cổng trụ sở.

Theo lãnh đạo huyện Vĩnh Hưng, nhiều tuyến đường, cầu mới được đầu tư xây dựng không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Hệ thống hạ tầng giao thông thị trấn Vĩnh Hưng đến nay đã khang trang, góp phần vào mục tiêu chung đưa thị trấn Vĩnh Hưng đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2020.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, năm 2018, Huyện ủy xác định mục tiêu là thực hiện tốt công tác quy hoạch và cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện chương trình đột phá về xây dựng cánh đồng lớn và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần theo hướng thực chất, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Trước mắt, huyện tập trung mọi nguồn lực đầu tư chương trình đột phá về nông nghiệp, chỉnh trang thị trấn, phấn đấu đưa thị trấn Vĩnh Hưng sớm đạt chuẩn đô thị loại IV về kết cấu hạ tầng…

1.200 hồ chứa thủy lợi đang xuống cấp nghiêm trọng

Kinh tế & đô thị đưa tin, hiện nay, có 1.200 hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, hoặc thiếu khả năng xả lũ theo quy định. Các hình thái xuống cấp của các hồ chứa thủy lợi chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở tiêu năng…

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 28/3.

Theo thống kê, hiện cả nước có tổng số 6.648 hồ chứa thủy lợi, được phân bố tại 45/63 tỉnh, TP. Trong đó, có 702 hồ chứa lớn và 5.946 hồ chứa nhỏ. Đặc biệt, có 3 hồ chứa quan trọng liên quan tới an ninh Quốc gia (theo Quyết định số 166/QĐ-TTg) gồm: Cửa Đạt (Thanh Hóa), Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Dầu Tiếng (Tây Ninh). Hiện, 1.800 hồ chứa (chiếm khoảng 27% tổng số hồ chứa thủy lợi) do các công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý, khai thác. Còn lại là do UBND các cấp quản lý.

Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đề xuất Bộ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách 575 tỷ đồng để tập trung tu sửa, nâng cấp các hồ chứa đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Đồng thời, Bộ TN&MT xây dựng bổ sung nâng cấp mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, phục vụ vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn đậpvà vùng hạ du.

Đổi mới công tác bảo trì đường bộ

Tạp chí giao thông thông tin, công tác bảo trì đường bộ (BTĐB) trong những năm qua đã có nhiều thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn, góp phần nâng cao tuổi thọ công trình.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, việc sử dụng Quỹ BTĐB Trung ương và các quỹ địa phương góp phần quan trọng trong việc bảo dưỡng kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ảnh minh họa

Từ năm 2012 đến nay, nhu cầu vận tải trên đường bộ tăng nhanh, chiếm tỷ lệ vận tải hành khác trên đường bộ bằng 90% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 70% tổng khối lượng vận tải hàng hóa.

Việc sử dụng Quỹ BTĐB Trung ương và các quỹ địa phương góp phần quan trọng trong việc bảo dưỡng kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả.

Việc lựa chọn nhà thầu thi công sửa chữa, các nhà thầu tư vấn khảo sát, lập dự án, lập thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn khác được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2013 và thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhiều hệ lụy từ giải ngân vốn đầu tư công chậm

Theo báo đấu thầu, từ giữa năm 2017 đến nay, dù Chính phủ đã liên tục hối thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng bước sang năm 2018, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm chạp. Giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà còn gia tăng áp lực trả nợ.

Theo quy định, đến hết ngày 31/1 năm sau mới hết thời hạn giải ngân kế hoạch vốn năm trước. Tuy nhiên, qua rà soát, hầu hết các địa phương đều không hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2017.

Điển hình như, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đắk Nông năm 2017 là hơn 1.150 tỷ đồng, chỉ đạt trên 74% kế hoạch. Thậm chí, có 2 nguồn vốn đến ngày 31/12/2017 tỉnh này còn giải ngân dưới 50% kế hoạch là Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ với 40,9% và vốn trái phiếu chính phủ là 9,85%. Năm 2018, tỉnh này được giao hơn 2.240 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 2/2018, Đắk Nông mới giải ngân được 168 tỷ đồng, chỉ đạt 7,5% kế hoạch.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công chậm là do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, trong đó có vấn đề về cơ chế chính sách. Đó là những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và cả năng lực của đơn vị thi công.

Về vấn đề chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một dự án trước khi được giao kế hoạch cần phải trải qua nhiều công đoạn như: Phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, xây dựng và tổng hợp kế hoạch... Năm 2017 là năm đầu tiên chính thức thực hiện luật hóa đầu tư công và nhiều quy định khác liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm.

T/H

Bạn đang đọc bài viết Tin đô thị ngày 28/3: Đổi mới công tác bảo trì đường bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.