Thứ năm, 18/04/2024 22:42 (GMT+7)

'Xẻ thịt' rừng Sóc Sơn: Xử lý cán bộ xong, công trình vẫn còn nguyên

MTĐT -  Thứ bảy, 01/12/2018 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (1/12), Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội liên quan đến những sai phạm đất đai ở Sóc Sơn.

Theo báo Thanh Niên, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: ngoài nguyên nhân địa bàn rộng nhưng lại đất chật, người đông ở khu vực nội thành, người dân cố tình vi phạm, việc kiểm soát chưa hiệu quả... dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng lớn, thì còn có nguyên nhân không nhỏ do hệ thống pháp luật.

Đầu tiên có thể kể đến Nghị định 139/2017 đã giảm thẩm quyền của chủ tịch UBND xã khá nhiều, như không được phép cưỡng chế công trình (giờ là thẩm quyền của chủ tịch UBND quận/huyện); công trình vi phạm có thời gian 60 ngày để hoàn thiện thủ tục, giấy phép trong thời gian bị đình chỉ, nhưng lực lượng giám sát không có nên rất nhiều trường hợp đã bị đình chỉ thì chủ công trình vẫn cố tình xây...

Đặc biệt, theo ông Dũng, công tác phát hiện ở địa bàn còn rất yếu, để vi phạm lớn mới xử lý và trở thành rất khó xử lý, mà Sóc Sơn là một ví dụ lớn.

“Thời gian gần đây, vi phạm xây dựng vào đất nông nghiệp, lâm nghiệp là khá phức tạp. Đây không phải đất cấm xây dựng trong luật Xây dựng, nên khi xảy ra vi phạm, thanh tra xây dựng áp dụng Nghị định 139 xử lý là rất khó, mà phải xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai (Nghị định 102/2014 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thẩm quyền không phải lực lượng thanh tra xây dựng – phóng viên)”, ông Dũng nói và cho biết Thanh tra Xây dựng TP đã chuyển cho huyện Sóc Sơn quản lý 103 biên chế và hợp đồng, nhưng cũng chỉ quản lý đô thị được ở thị trấn Sóc Sơn và khu vực lân cận, còn vào sâu khu vực phía trong là khó quản lý.

Với thực tế này, ông Dũng đề nghị thành phố kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phân định rõ chức năng của từng lực lượng trong việc quản lý xây dựng trên đất nông nghiệp và đất rừng để dễ làm. Cần bổ sung thêm đất nông nghiệp, lâm nghiệp vào các loại đất cấm xây dựng.

Ảnh: Internet. 

Theo báo Giao thông, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dành nhiều thời gian nói về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Dù bày tỏ vui mừng vì số vụ vi phạm trật tự xây dựng đã giảm dần, song người đứng đầu Thành uỷ thành phố đặc biệt lưu ý Sở Xây dựng cần tiếp tục rà soát, giải quyết công trình tồn đọng từ những năm trước.

Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, công tác xử lý trật tự xây dựng phải quyết liệt, không được chủ quan, bởi "bất cứ chủ công trình nào cũng đều muốn lấn ra, đua ra ngoài phạm vi được cấp phép. Nếu chúng ta lờ đi thì họ sẽ vi phạm".

Ông Hải cũng đề cập đến những "cái khó" trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đó chính là việc xử lý công trình vi phạm. Bởi ngay cả việc TP, quận, huyện có xử lý cán bộ buông lỏng quản lý hay xử lý hành chính, xử phạt, thì chủ công trình vẫn "cười tươi" và tiếp tục vi phạm.

Bí thư Hà Nội dẫn chứng vụ "xẻ thịt" rừng Sóc Sơn vừa qua và nêu thực tế, huyện đã xử lý cả cán bộ, xử lý cả hành chính, song công trình vẫn còn nguyên.

Nhắc nhở công tác quản lý trật tự xây dựng là vấn đề lớn, Bí thư Hà Nội lưu ý các cấp của TP cần phải rà soát các công trình vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. “Còn nếu chúng ta không làm quyết liệt thì cứ xử lý hết năm này qua năm khác cũng không bao giờ hết”, ông  Hải nhấn mạnh.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết 'Xẻ thịt' rừng Sóc Sơn: Xử lý cán bộ xong, công trình vẫn còn nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.