Thứ sáu, 29/03/2024 18:46 (GMT+7)

Nhiều ý kiến trái chiều về “siêu dự án” hơn 3.000 tỷ Cái Lớn-Cái Bé

MTĐT -  Thứ bảy, 08/09/2018 17:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi các nhà quản lý và chính quyền địa phương ủng hộ, triển khai dự án hơn 3.000 tỷ Cái Lớn - Cái Bé thì nhiều nhà khoa học lại lên tiếng phản đối.

Dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 được Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chính quyền địa phương. Được đánh giá là "siêu dự án" với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 3.300 tỷ đồng, phạm vi ảnh hưởng rộng và tác động lớn đến hệ sinh thái ở ĐBSCL. Mục tiêu của dự án là kiểm soát mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 5 tỉnh ở ĐBSCL. Trong khi các nhà quản lý và chính quyền địa phương ủng hộ, đồng tình triển khai dự án thì nhiều nhà khoa học lại lên tiếng phản đối.

Lo ngại can thiệp thô bạo vào thiên nhiên  

Dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có tổng kinh phí hơn 3.300 tỷ đồng. Dự án được cho là sẽ có nhiệm vụ: kiểm soát mặn xâm nhập từ biển Tây và giữ ngọt để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp cho diện tích hơn  890.000 ha thuộc các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ; Kiểm soát mực nước trên sông Cái Lớn - Cái Bé, tăng cường lượng nước ngọt từ sông Hậu về khu vực dự án, cung cấp nước cho khu vực U Minh Thượng, U Minh Hạ và vùng Tây Quản Lộ-Phụng Hiệp trong mùa khô và tiêu thoát nước giảm ngập úng trong mùa mưa, kết hợp với tuyến đê biển chống ngập lụt do nước biển dâng trong tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa thuỷ lợi kể trên, dự án này cũng vấp phải nhiều ý kiến phản biện, không đồng tình từ giới khoa học bởi tính hối tiếc cao và sự can thiệp thô bạo vào thiên nhiên.

Tiến sỹ Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học cho rằng, đã có những thời điểm vùng bán đảo Cà Mau, người dân phấn khởi đào kênh mương, đắp đê bao trồng lúa. Nhưng rồi cũng chính những người dân ấy lại cầm cuốc phá đê để lấy nước mặn nuôi tôm. Điều đó cho thấy, vấn đề khúc mắc nhất ở ĐBSCL là thiếu đa dạng cây trồng vật nuôi chứ không chỉ là mâu thuẫn mặn - ngọt.

Nếu không thấy được vấn đề căn nguyên trên thì sẽ mãi loay hoay với các công trình, tạo ra sự mâu thuẫn. Thậm chí, có thể dẫn đến chuyện chính quyền địa phương nhìn người dân như những người phá hoại vì đã đập cống, phá đê lấy nước mặn; còn người dân lại nhìn chính quyền như những người cản trở cơ hội nuôi tôm, trồng lúa...

“Nếu nhìn ở vấn đề mặn - ngọt thì thấy gần như chúng ta “thất thủ”. Ngày xưa ranh giới muốn giữ mặn nằm ra tới ngoài biển nhưng tới năm 2000 ranh giới mặn thụt vào tới quốc lộ 1, có nghĩa là chúng ta thất thủ vòng 1. Bây giờ nhìn kiểu dự án này có vẻ như thất thủ thêm vòng 2. Chúng ta rút về phía Tây của kênh quản lộ Phụng Hiệp như vậy, liệu chúng ta sẽ thất thủ chuyện này đến bao giờ. Tôi nói vấn đề ở đây không phải là vấn đề mặn – ngọt mà là thiếu sự đa dạng về cây trồng vật nuôi cho khu vực này”, TS. Dương Văn Ni cho biết.

 Cùng quan điểm với TS Ni, Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện nêu ra 8 băn khoăn về tính khả thi, hiệu quả của dự án này. Về lịch vận hành cống Cái Lớn- Cái Bé, ông Thiện cho rằng, trong dự án quá sơ sài, đơn giản, không thực tế.

Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện băn khoăn về tính khả thi của dự án.

Theo nhà khoa học này, tính cần thiết của công trình cần phải xem lại một cách thấu đáo. Không thể lấy lý do chúng ta phải gánh an ninh lương thực cho cả nước và thế giới hay để tránh lặp lại thiệt hại do hạn mặn năm 2016 để đi đến quyết định chi hàng ngàn tỷ đồng xây dựng công trình khổng lồ này. Thực tế, năm 2016, dù  hạn mặn nhưng VN vẫn xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo. Và El Nino cũng chỉ là hiện tượng cực đoan, 90 năm mới xảy ra 1 lần.

Phải trả lời câu hỏi: vì sao các dự án cũ không thành công?

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hữu Thiện, mặt trái lớn nhất của dự án thuỷ lợi trên là “phá vỡ” Nghị quyết 120 của Chính phủ đang được Bộ KH-ĐT triển khai quy hoạch tổng thể ĐBSCL và Bộ Nông nghiệp đang đề ra chiến lược nông nghiệp mới để thích ứng với BĐKH theo tinh thần thuận thiên, tôn trọng những quy luật tự nhiên để phát triển một đồng bằng thịnh vượng, thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, nhận định về bản đánh giá tác động môi trường, ông Thiện cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thiếu tính khách quan khi từ đầu đến cuối chỉ ủng hộ và cho rằng, công trình này là duy nhất phải thực hiện. Đây là một công trình hối tiếc cao, đã đầu tư xây dựng thì cả trăm năm sau cũng khó mà sửa chữa.

Chính vì vậy, cần phải bổ sung tính trách nhiệm của công trình. “Những người ký duyệt thực hiện công trình phải có trách nhiệm với đời sau này về chính những gì công trình này mang lại”. Ông Thiện nói. Thực tế đã không ít công trình ngăn mặn kiểm soát lũ, cản lũ ở ĐBSCL thất bại nhưng chẳng thấy ai chịu trách nhiệm...

“Bản báo cáo đánh giá môi trường hiện nay đang đi lạc hướng rất xa. Thứ nhất, phải khách quan, trung lập, những báo cáo môi trường này từ đầu tới cuối chỉ là lập luận ủng hộ và nói rằng, công trình này là duy nhất phải làm. Như vậy không khách quan và nhiều vấn đề quan trọng không được đánh giá. Việc đánh giá chung ta đang chia nhỏ vấn đề, chia nhỏ bó đũa ra, có giai đoạn 1, giai đoạn 2, chúng ta phải đánh giá chung mới đúng. Chia nhỏ ra để thấy kinh phí dễ chịu, hai là thấy tác động chưa có gì nhưng đặt Chính phủ và người dân vào tình thế đâm lao phải theo lao là không công bằng”, ông Nguyễn Hữu Thiện nói.

Với tư cách Trưởng ban chỉ đạo Nghiên cứu ngọt hoá bán đảo Cà Mau (trước đây), GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân cũng đưa ra nhiều lo ngại khi thực hiện dự án trên. Ông cho rằng, chúng ta đã triển khai dự án ngọt hoá bán đảo Cà Mau, dự án cống đập Ba Lai (Bến Tre) đến nay tại sao lại không thành công?

Người ta đều đưa ra nguyên nhân: Công trình thiếu đồng bộ. Ngoài ra dự án sông Trẹm (Cà Mau) cũng khai thác trật… Trước khi triển khai các dự án mới phải trả lời câu hỏi vì sao các dự án cũ không thành công. Trở lại với công trình sông Cái Lớn-Cái Bé, thiếu nước ngọt chỉ là hiện tượng, phải tìm nguyên nhân đúng thì mới có giải pháp đúng. Không sẽ thành xoáy ốc thiệt hại môi trường ngày càng lớn.

Địa phương đồng tình cao, Bộ nhận thiếu sót

Trong khi đó, phía đại diện các địa phương chịu ảnh hưởng của dự án, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lại chia sẻ sự đồng tình, ủng hộ dự án thuỷ lợi trên. Ông Hồng cho rằng, với hệ thống thuỷ lợi dài hơn 4.000 km và khoảng 200km  bờ biển kéo dài từ Chùa Hang-Kiên Lương đến Tiểu Dừa-An Minh, giáp ranh với tỉnh Cà Mau, việc đầu tư dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé sẽ góp phần khép kín toàn bộ hệ thống thuỷ lợi ven biển Tây từ Cà Mau tới Hà Tiên, qua đó phát huy đồng bộ hiệu quả cho toàn khu vực theo mục tiêu dự án. 

GS-TS Tăng Đức  Thắng, Phó giám đốc Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu bổ sung đánh giá tác động của dự án.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT nhìn nhận, trong bản báo cáo dự án còn nhiều điểm chưa chuẩn xác, một số nội dung cần phải được thể hiện rõ và thoả đáng hơn. Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và nghiên cứu thật thận trọng, kỹ lưỡng “siêu dự án” này.

“Các cơ quan khoa học đã tập trung nghiên cứu vấn đề này nhưng chủ yếu trong vòng 1-2 năm gần đây, đặc biệt kết quả mới được đưa ra từ tháng 4, tháng 5 năm nay, cho nên những thông tin trao đổi kể cả về quan điểm cũng không bám sát được. Chúng tôi nhận thiếu sót và sẽ khắc phục ngay, biên tập lại cho hệ thống những tư duy, quan điểm, đặc biệt là sau khi nghị quyết 120 của Chính phủ  về ĐBSCL. Truyền tải trong hội thảo hôm nay về từ ngữ, số liệu, về mặt thông tin thì tôi công nhận là chưa đầy đủ, vấn đề này chúng tôi cũng sẽ khắc phục ngay”, thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ý kiến trái chiều về “siêu dự án” hơn 3.000 tỷ Cái Lớn-Cái Bé. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới