Thứ tư, 17/04/2024 00:39 (GMT+7)

Hà Nội mặc “đồng phục” cho gần 500 trụ sở: 'Không phù hợp, lãng phí'

Cẩm Anh -  Thứ sáu, 28/09/2018 05:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội dự tính xây dựng chung một mẫu thiết kế đối với gần 500 trụ xở xã, phường Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng phương án này còn chưa phù hợp và có thể gây lãng phí.

Không hợp lý

Mới đây, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của của thành phố Hà Nội (24/9), Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – ông Lê Văn Dục cho biết, cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến đóng góp của các quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong phương án kiến trúc được đưa ra lấy ý kiến, đơn vị tư vấn đề nghị các công trình cần thống nhất về hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc.

Một phương án kiến trúc trụ sở phường được đưa ra lấy ý kiến. Ảnh: HRAP. 

Ngay sau khi thông tin này được đăng tải trên báo chí đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ người dân, chuyên gia.

Là mội trong những địa bàn nằm trong diện có thể áp dụng thiết kế mẫu, ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP. Hà Nội cho biết, mặc dù rất mong muốn được cải tạo lại trụ sở, tuy nhiên, để dùng mẫu thiết kế của Sở Quy hoạch kiến trúc với phường Giảng Võ là không phù hợp.

Bàn luận về vấn đề trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – ông Phạm Sỹ Liêm cũng tỏ ra hết sức băn khoăn. “Cơ quan chính quyền phải đồng phục thế thì tòa án thế nào, viện kiểm sát thế nào, sở công an thế nào…? Các tổ chức ấy có phải đồng phục không? Tôi thấy phương án này cũng không hợp lý”.

Đồng thời, ông Liêm cho rằng quy trình hoạt động của ủy ban nhân dân phường, xã mới là yếu tố quan trọng. Chất lượng hoạt động của ủy ban là vấn đề nhân dân quan tâm hàng đầu, không phải vấn đề diện mạo trụ sở.

Ông Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. 

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, KTS. Trần Huy Ánh thể hiện rõ quan điểm không ủng hộ phương án trên. “Việc thống nhất phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn nói trên là điều rất không nên. Tôi thấy việc này không có ý nghĩa gì, không đem lại hiệu quả về kinh tế và còn mất đi một khoản chi phí khổng lồ”, KTS. Trần Huy Ánh nói.

Bên cạnh đó, ông Ánh còn lo ngại việc thực hiện đồng nhất mẫu trụ sở có nguy cơ làm đồng hóa, xóa nhòa bản sắc văn hóa bản địa. Bởi mỗi vùng có điều kiện riêng về cảnh quan thiên nhiên, quần cư và nét văn hóa làm nên bản sắc văn hóa vùng miền.

Cùng quan điểm, bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII lo ngại rằng Hà Nội có cả địa phương đồng bằng và vùng núi, mỗi nơi khác nhau về địa hình, mặt bằng và diện tích, vậy việc xây dựng nêu trên liệu có phù hợp với tất cả các địa phương.

Cẩn trọng lãng phí ngân sách

Đứng ở vị trí là một người dân đóng góp thuế tạo nên ngân sách nhà nước, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, KST. Trần Huy Ánh cho rằng cần phải làm rõ việc xây dựng thống nhất trên đem lại lợi ích gì, được gì, mất gì, chi phí từ đâu?

Ông Ánh nhấn mạnh: “Nếu dự án sử dụng ngân sách Nhà nước cần phải làm rõ tính hiệu quả. Việc chi tiêu phải cân nhắc kỹ lưỡng, không làm tùy hứng, giải trình sử dụng ngân sách một cách hiệu quả, tránh lãng phí”.

Đồng tình với ý kiến của KTS. Trần Huy Ánh, bà Bùi Thị An cũng kiến nghị cần phải rà soát tổng thể, xem xét những trụ sở nào không thể sử dụng được nữa, cần xây dựng lại, công trình nào chỉ cần chỉnh trang thì vẫn nên tận dụng, tránh gây lãnh phí. Đồng thời làm rõ đây là dự án mang tính lâu dài của Hà Nội, tiến hành đồng thời hay được phân kỳ thành nhiều giai đoạn. Bởi việc tiến hành xây dựng một lúc nhiều trụ sở sẽ phải huy động một nguồn vốn khổng lồ. Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, đây cũng là một vấn đề lớn.

Trong phương án được lấy ý kiến, đơn vị tư vấn đề nghị các trụ sở cần thống nhất hình ảnh nhận diện về trụ sở sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã như: hình khối ngôn ngữ kiến trúc; bố cục; vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc.

Kèm với đó, đơn vị tư vấn cũng đề xuất diện tích đất phù hợp để xây dựng trụ sở chính quyền cấp xã, theo các khu vực:

Cụ thể, đối với khu vực đô thị trung tâm, diện tích đất xây dựng tối thiểu 300 m2, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao tối đa là 6 (kể cả tầng trệt để xe nếu có) theo quy hoạch khu vực cho phép; diện tích tối đa 2.000 m2.

Với khu vực đô thị trung tâm mở rộng, đô thị vệ tinh, thị trấn mật độ dân cư cao, ngưỡng diện tích đất phù hợp khoảng 880 m đến 3.900 m2, mật độ xây dựng 40%, tầng cao tối đa là 5.

Khu vực các xã và thị trấn mật độ dân cư thấp, diện tích đất phù hợp khoảng 1.530 đến 4.100 m2, mật độ xây dựng 25-30%, cao không quá 3 tầng.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cho biết, tổng số trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu là 483. Trong đó có 75 trụ sở cần xây mới, 136 công trình phải cải tạo bổ sung quy mô hoặc xây mới một số hạng mục, 118 công trình đã được xây dựng, chỉ cần cải tạo, sửa chữa.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội mặc “đồng phục” cho gần 500 trụ sở: 'Không phù hợp, lãng phí'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.