Thứ sáu, 19/04/2024 13:30 (GMT+7)

Giải pháp nào cho nhà ga C9 tại Hồ Gươm

MTĐT -  Thứ tư, 14/11/2018 09:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Tọa đàm về Phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa đô thị -Trường hợp quy hoạch xây dựng Ga ngầm (Ga C9) khu vực Hồ Hoàn Kiếm

Tháng 5/2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Tọa đàm về Phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa đô thị -Trường hợp quy hoạch xây dựng Ga ngầm (Ga C9) khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi tọa đàm.

Tham gia Tọa đàm có: Các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông và Vận tải, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đại diện các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, văn hóa.

Tại tọa đàm, các ý kiến đại biểu đều đồng tình với việc xây dựng Ga ngầm C9 để phục vụ phát triển hệ thống giao thông, giúp người dân tiếp cận khu vực trung tâm thủ đô tốt hơn. Tuy nhiên về vị trí của Ga, nhiều đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc thật thận trọng, xem xét tất cả các phương án để hạn chế tối đa nhất ảnh hưởng đến cảnh quan của khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Một số chuyên gia không tham dự tọa đàm nhưng cũng đã có ý kiến liên quan đến nội dung này

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC

Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Đại biểu Quốc Hội

“Đã đến lúc Hà Nội nên xem lại toàn bộ không gian đó, giảm bỏ bớt những cái gì không cần thiết, tạo ra không gian mới, thủ đô thì ngày càng mở rộng, nhưng mà ở trong lõi của thành phố cũ thì càng ngày càng đông đúc.”

Nếu như phương án chúng tôi đưa ra là đưa về phía đông, mà theo tư vấn là động chạm đến nhà của EVN, thì tôi cho là chả có gì đáng tiếc. Bây giờ nhà nước còn quy định là chuyển trụ sở của các bộ, người dân còn bị mất nhà, người ta phải chấp nhận nếu vì lợi ích quốc gia. Tôi còn mong muốn là nếu Hà Nội muốn trở thành một thành phố hiện đại thì phải quy hoạch lại không gian, cần thiết là chuyển cả khu vực của EVN đi, tạo ra một quảng trường, ta có thể khắc phục bằng cách làm sâu xuống đất, phát triển không gian dưới đất để có thể khai thác một số lợi ích khác, ngoài ra có thể liên thông với hệ thống đường tàu điện ngầm.

Tại sao các doanh nghiệp lại có quyền cao đến như thế. Nếu vì kỹ thuật thì phải chịu thật, còn nếu vì quyền sử dụng đất thì điều đó hoàn toàn nằm trong tay của Thành phố, của Chính phủ. Đã đến lúc Hà Nội nên xem lại toàn bộ không gian đó, giảm bỏ bớt những cái gì không cần thiết, tạo ra không gian mới, thủ đô thì ngày càng mở rộng, nhưng mà ở trong lõi của thành phố cũ thì càng ngày càng đông đúc. Đây là một nghịch lý. Thứ hai là đây chỉ là một ga trục, không phải ga nhánh, cho nên phải tính toán lưu lượng người sử dụng (thăm quan, đi làm, về nhà, dịch vụ) thì xác định quy mô nhà ga.

ÔNG. NGUYỄN THẾ HÙNG

Cục trưởng Cục Di sản – Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch

Quan điểm ban đầu của chúng tôi là đặt ga ở Trụ sở Điện lực. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên ý kiến này không được chấp nhận. Phương án hiện nay thì toàn bộ ga nằm ở khu vực bảo vệ 2, … Phương án này tại sao lại được cho rằng không ảnh hưởng đến di tích? Tôi cảm thấy rất lạ. Tôi đề nghị Hà Nội xem lại giải pháp cho phù hợp.

Thứ nhất, chúng tôi luôn cho rằng cần thiết phải có tuyến đường sắt đô thị. Chúng tôi rất đồng tình việc phải tìm cách đưa nhân dân tiếp cận với khu vực trái tim của Hà Nội một cách thuận tiện nhất. Đối với ga C9, chúng tôi không quan niệm đây là công trình bảo vệ hay phát huy giá trị di tích. Quan điểm ban đầu của chúng tôi là đặt ga ở Trụ sở Điện lực. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên ý kiến này không được chấp nhận. Phương án hiện nay thì toàn bộ ga nằm ở khu vực bảo vệ 2, thi công sẽ quây toàn bộ bờ Hồ, di dời toàn bộ các thứ trên mặt bằng và đào sâu xuống 30 – 40m, sau khi thi công xong sẽ hoàn trả lại mặt bằng. Phương án này tại sao lại được cho rằng không ảnh hưởng đến di tích, tôi cảm thấy rất lạ. Tôi đề nghị Hà Nội xem lại giải pháp cho phù hợp.

Thứ 2 là chúng tôi rất lo cho công trình Tháp Bút, thi công sẽ làm lún sụp một biểu tượng văn hoá của Hà Nội, ngoài ra khi tàu chạy có tạo ra độ rung ảnh hưởng công trình không? Các giải pháp bảo vệ Tứ trụ như thế nào? Tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời nào. Bộ Văn hoá luôn bày tỏ sự ủng hộ nhưng cũng có những vấn đề cần phải phù hợp. Bộ Văn hoá sẽ luôn có trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản văn hoá. Theo Điều 36 Luật bảo vệ di sản văn hoá, “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

PGS.TS.ĐẶNG VĂN BÀI

Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Về mặt pháp lý, hy sinh văn hóa vì kinh tế là một quan niệm sai lầm. Khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, thành phố Hà Nội phải lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy trình Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013 nhưng vẫn chưa có. Phải chăng chúng ta vẫn chưa thiết tha với di sản.

Trong trường hợp này, dự án này vẫn là hi sinh văn hóa vì kinh tế. Trong 2 tuyến mà chủ nhiệm đồ án đề cập, chúng tôi chỉ ủng hộ tuyến đi vào tòa nhà bưu điện. Nhưng khi vấp phải những khó khăn đề ra, công trình phải chuyển sang làm ở tuyến đi ở bờ hồ, chúng tôi đành phải rút lui, nhưng chúng tôi cho rằng hãy đặt ga ở trụ sở tòa nhà điện lực. Việc này sẽ giải quyết hoàn toàn, dứt điểm vấn đề vị trí nhà ga. Tôi đặt vấn đề là: Chúng ta vẫn coi thường Hồ Gươm, vẫn coi điện lực và ga ngầm này hơn Hồ Gươm. Về mặt pháp lý, hy sinh văn hóa vì kinh tế là một quan niệm sai lầm. Khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, thành phố Hà Nội phải lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy trình Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013 nhưng vẫn chưa có. Phải chăng chúng ta vẫn chưa thiết tha di sản. Nếu đặt sang bên phía điện lực thì rủi ro cho hồ bớt đi rất nhiều còn nếu đặt ở vị trí thì sẽ rủi ro rất nhiều cho di sản.

ÔNG PHẠM SỸ LIÊM

Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng,

Nguyên Tổng thư ký Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.

Tại sao tuyến đó lại đi sát Bờ Hồ? Cái này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một là phải giải quyết nền đất yếu nếu sự cố xảy ra. Hai là phải giải quyết về mặt tâm linh và dư luận xã hội… Bắt tay vào làm một việc lớn cần nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, tránh hậu họa sau này.

Theo tôi, nếu chọn đặt nhà ga ngầm cạnh Hồ Gươm thì chúng ta phải trả lời chính xác, khoa học câu hỏi: Nhà ga phục vụ đối tượng nào? Khu vực Bờ Hồ sẽ có những ai đi đến đây? Đến thời gian nào? Những nơi nào người dân cần đến? Người dân đến với UBND thành phố, phố cổ, Đền Ngọc Sơn hay chỉ đơn thuần là đi dạo quanh bờ hồ…?

Nhà ga không chỉ đơn thuần là việc lên xuống tàu. Nếu nhà ga ở gần một khu công nghiệp, công nhân sẽ chen chúc nhau vào giờ đi làm, giờ khác sẽ rất vắng. Khu vực bờ Hồ cũng sẽ đặt ra những vấn đề tương tự và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu là đi dạo, thăm thú Hồ Gươm thì hiện tại cho thấy khu vực này ngày thường không đông người. Vậy, tại sao nhà ga lại đặt cạnh Bờ Hồ? Vị trí đó có tiện cho nhiều đối tượng hay chỉ tiện cho 1- 2 đối tượng? Mặt khác, đã là nhà ga thì phải gắn với tuyến. Tại sao tuyến đó lại đi sát Bờ Hồ? Cái này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một là phải giải quyết nền đất yếu nếu sự cố xảy ra. Hai là phải giải quyết về mặt tâm linh và dư luận xã hội. Cần phải xem xét tuyến đường này đã hợp lý chưa? Đường là để đến và đi chứ không phải để tiết kiệm tiền. Mặt khác, thực chất bài toán kinh phí này có thật là đỡ tốn kém hay tiềm ẩn rủi ro vượt trội về kinh phí khi chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc tại khu vực nhạy cảm này?

Một nhà ga sẽ toả ra nhiều hướng, có khi có tới 4,5 lối lên. Nhà ga hiện nay có 3 lối lên nhưng đều ngay sát Bờ Hồ. Nó cần phải toả rộng chứ không phải nằm vào một phía mà phía đó cũng không biết là phục vụ ai. Từ nhà ga này tôi đặt ra câu hỏi: Không biết những ga khác được nghiên cứu như thế nào? Khu vực Hồ Hoàn Kiếm vì tương đối nhạy cảm nên mới lấy ý kiến, còn các ga khác thì ra sao? Mỗi ga đều phải có sự nghiên cứu, đánh giá cẩn thận. Không thể vì tiện một con đường ở đấy thì sẽ có một nhà ga. Đường là phải phục vụ người đi, nếu chỉ lo cung mà cung không đáp ứng đúng cầu thì cung ấy vô ích. Nhưng hiện nay cách tiếp cận là “cho”, vì có “cho” thì mới có “xin”. Theo tôi là phải xem xét kỹ hệ thống nhà ga để đạt được hiệu quả cao nhất, đây là mong mỏi chứ không phê phán gì ai.

Theo một nghiên cứu thì tuyến tàu điện ngầm này khá trùng với hệ thống tàu điện nổi trước đây? Tuy nhiên, bản chất 2 loại hình giao thông này hoàn toàn khác nhau. Tàu điện nổi không thể tách rời con đường, cho nên nó phải đi theo đường. Tàu điện ngầm không phụ thuộc vào phía trên, lợi thế của nó hoàn toàn khác. Đây là 2 công nghệ hoàn toàn khác nhau. Nếu làm giống nhau thì không tận dụng được ưu thế của đi ngầm (dù 1 số yếu tố vẫn phải dựa vào địa hình trên mặt đất ví dụ như ống thông gió). Nhìn chung, ưu thế của tàu điện ngầm là kết nối mà không phụ thuộc vào mạng lưới đường, khác với tàu điện nổi. Xưa – Nay là khác nhau.

Tàu điện ngầm là một phương tiện giao thông công cộng mới ở Việt Nam; Cho nên, không thể trách ai có kinh nghiệm hay không có kinh nghiệm! Hiện nay, mỗi tuyến đường sắt lại mời chuyên gia của các quốc gia khác nhau. Đây là do vấn đề đầu tư. Nếu bên nào cho vay thì phải sử dụng công nghệ của bên đó. Tuy nhiên phải cân nhắc lợi hại. Vay thì phải trả, ai cho không. Vay không có nghĩa là tài sản của người cho vay mà sản phẩm vay là tài sản của ta, ta phải làm chủ để tránh sau này cứ phải chạy theo họ. Chẳng hạn, mỗi nước có hệ thống tín hiệu dành cho tàu điện ngầm riêng. Tàu điện ngầm hoàn toàn phụ thuộc vào tín hiệu, chưa kể đến các trang thiết bị hay toa tàu. Vì vậy nên chủ động chọn một đối tác, chứ không thể phụ thuộc vào nhiều đối tác. Mặt khác, hiện tại, tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội lại có 2 cơ quan quản lý, đó là UBND thành phố và Tổng cục đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải). Đây cũng là điều nên xem xét và thống nhất trong cách triển khai, quản lý và vận hành.

Trong quy hoạch đô thị, có phương thức gọi là TOD (Transit Orientation Development – Phát triển theo định hướng vận tải công cộng). Nghĩa là không bố trí mật độ xây dựng đều ở trong đô thị mà tập trung trong vòng bán kính 1km quanh các ga, trạm dừng vận tải công cộng. Tàu điện ngầm có dung lượng giao thông rất lớn so với mọi phương tiện vận tải khác, do đó ga tàu điện ngầm phải gắn với 1 khu dân cư có mật độ cao hơn bình thường. Tôi nghĩ tuyến đường tàu phải đi xa Bờ Hồ hơn, đi lùi vào phía phố Ngô Quyền, lối lên Tràng Tiền, Nhà hát Lớn, Cung Thiếu nhi, Uỷ ban Nhân dân TP. Tóm lại, Một, nhà ga sẽ phục vụ những ai, bao nhiêu người, đi và đến giờ nào? Hai, đã là ga ngầm thì nhất thiết không thể có công trình nổi trên mặt đất vì như vậy sẽ làm thay đổi cảnh quan, không đúng với bản chất, mục tiêu đặt ra. Ba, đặt giả thiết gắn với an ninh quốc phòng, ga ngầm sẽ phục vụ những ai khi cần thiết? Bắt tay vào làm một việc lớn cần nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, tránh hậu họa sau này.

ÔNG NGUYỄN VIẾT CHỨC

Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy bạn Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội

Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long

Hồ Gươm là di sản vật thể nhưng chứa trong lòng nó bao nhiêu tình cảm, thăng trầm của lịch sử, nó là tâm linh, là tình cảm, là cõi lòng của mỗi người dân thủ đô. Hồ Gươm chỉ có một. Cái việc tưởng là nhỏ nhưng thật ra là rất lớn vì nó động đến trái tim theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của đất nước này.

Vấn đề các tầng lớp trong xã hội quan tâm đến ga đường sắt đô thị C9 tại khu vực Hồ Gươm là điều đáng mừng bởi vì người dân, các chuyên gia còn quan tâm đến những vấn đề của thành phố, của đất nước mặc dù sự quan tâm đó trái chiều, thậm chí làm khó thêm cho những người triển khai, thực hiện. Chỉ khi những thành viên trong cộng đồng quan tâm đến những giá trị chung thì xã hội đó mới lành mạnh.

Những cái khó khăn có thể là do người triển khai đã không lường trước được ngay từ đầu khi động vào những di sản. Hồ Gươm là di sản vật thể nhưng chứa trong lòng nó bao nhiêu tình cảm, thăng trầm của lịch sử, nó là tâm linh, là tình cảm, là cõi lòng của mỗi người dân thủ đô.

Vừa qua, Uỷ ban Văn hoá giáo dục của Quốc hội tổ chức toạ đàm, trao đổi với các nhà khoa học, thận trọng trước ý kiến của các nhà khoa học; Cơ quan lập pháp xem xét, nếu thấy trong luật có vi phạm thì họ có ý kiến. Luật đặt ra để thực hiện chứ không phải để gò bó, trói buộc ai. Cho nên, nếu chứng minh không phạm luật thì phải trả lời cho các cơ quan bằng văn bản, chịu trách nhiệm trước nó. Uỷ ban Văn hoá giáo dục của Quốc hội đang làm đúng chức năng, nhiệm vụ còn nếu không làm thì mới là đáng trách. Họ đang cảnh báo tức là họ đang ủng hộ thành phố. Tôi trước đây cũng nói với đồng nghiệp rằng trước khi làm thì đừng sợ người ta có ý kiến, sợ nhất là sau khi làm rồi người ta mới có ý kiến. Hồ Gươm chỉ có một. Cái việc tưởng là nhỏ nhưng thật ra là rất lớn vì nó động đến trái tim theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của đất nước này.

Trong phương án cần phải trình bày cụ thể các thông số về kỹ thuật, độ rung lắc khi xây dựng công trình Cần nghiên cứu mức ảnh hưởng của độ rung. Làm thế nào để không ảnh hưởng đến tháp Bút – Một công trình rất dễ bị tổn thương hay một số công trình văn hóa khác. Cửa của ga C9 chỉ cách bờ Hồ 10m. Vậy, phải có phương án nghiên cứu tổng thể và dự báo xem có bao nhiêu người lên đê tránh ùn tắc. Rất cần thiết tất cả những phương án về công nghệ, kỹ thuật, tài chính phải được giải trình rõ rệt. Vậy nhưng, hình như chưa có ai đặt vấn đề về địa chất, tỉ lệ. Tôi là người làm văn hoá nên mục tiêu của tôi là vẫn giữ được hồ Hoàn Kiếm nhưng vẫn phát triển được thành phố. Nếu phải hi sinh thì thà hi sinh cái khác chứ đừng hi sinh hồ Hoàn Kiếm, giữ theo nghĩa đầy đủ của hồ Hoàn Kiếm.

Quyết định phải thuộc về nhà chuyên môn chứ không thể bằng dư luận. Các nhà chuyên môn nếu thấy làm được thì vẫn phải làm, chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân, trước Hà Nội. Giao thông bây giờ quá bức bối, cần phải có giao thông hiện đại, phải sớm nghiên cứu. Tuy nhiên không thể đem văn hoá đánh đổi để phát triển. UNESCO đã cảnh báo lâu rồi, nếu không quan tâm đến khía cạnh văn hoá trong phát triển, thì không những không phát triển mà còn gây ra những hệ luỵ không thể tránh được. Trong văn hoá có môi trường, có di sản và còn nhiều cái khác nữa, mà quan trọng nhất là con người. Nếu sự phát triển ấy ảnh hưởng đến con người thì phải cân nhắc. Vì vậy tôi hoàn toàn đồng tình với Thủ tướng: “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.

ÔNG NGUYỄN QUANG:

Giám đốc Cơ quan Định cư Liên Hiệp Quốc tại VN ( UN HABITAT-VN)

Nhiều quốc gia thực hiện đánh giá tác động về mặt di sản, liệu chúng ta đã có cơ quan độc lập đánh giá về mặt di sản, tác động về thương mại, kinh tế, văn hoá, xã hội hay chưa? Đất nước chúng ta còn nghèo, vì vậy tại sao chúng ta không làm những gì mà chi phí thấp hơn, đồng thời bảo vệ được di sản văn hoá.

Vấn đề bảo tồn không chỉ là vấn đề bảo tồn các công trình lịch sử mà còn bảo tồn cấu trúc không gian, đường phố, không gian công cộng, hệ thống cảnh quan xung quanh (Hiến chương Washington năm 1987, Hiến chương Venice) mà ở Hà Nội là hệ thống cây xanh, hệ thống hồ, hệ thống đường bàn cờ ở khu vực phố Pháp…Tôi từng có vinh dự làm việc với nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện. Ông từng nói với tôi: “Đừng biến Hồ Gươm thành cái ao, biến Hà Nội thành Bangkok.” Trong quá trình phát triển Hà Nội, vấn đề xung quanh Hồ Gươm luôn đặt ra nhiều bài học, từ tòa nhà Hàm Cá Mập đến toà nhà Plaza, và gần đây nhất là công trình toà nhà Điện lực cao tầng nhưng vẫn luôn vấp phải sự phản đối của người dân.

Để giải quyết bài toán này, tôi nghĩ rằng: Thứ nhất, tại sao chúng ta cứ đi sát Hồ Gươm mà không đi ra phía ngoài, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến khu lịch sử. Thứ hai, ở nước ngoài, 1- đất xung quanh ga thường có giá rất cao, xung quanh hình thành các khu thương mại, toà nhà để tận dụng giá trị thương mại, thuận tiện về giao thông; 2 – Ga phải kết nối với các loại hình phương tiện giao thông khác nhau, chứ không chỉ phục vụ cho người đến để đi bộ; 3 – người ta đã chứng minh mật độ ở nhà ga rất cao trong khi chúng ta đang chiến đấu để giảm mật độ dân số khu Hoàn Kiếm. Vì vậy tốt hơn hết là chúng ta nên đẩy nhà ga – những công trình tạo ra giá trị gia tăng, những công trình vừa văn hoá, vừa thương mại, vừa dịch vụ, ra bên ngoài. Nên hạn chế những thay đổi cấu trúc không gian, cũng như độ rung.

Ngoài ra, rất nhiều quốc gia thực hiện đánh giá tác động về mặt di sản, liệu chúng ta đã có cơ quan độc lập đánh giá về mặt di sản, tác động về thương mại, kinh tế, văn hoá, xã hội hay chưa? Đất nước chúng ta còn nghèo, vì vậy tại sao chúng ta không làm những gì mà chi phí thấp hơn, đồng thời bảo vệ được di sản văn hoá. Những nhà ga này có thể đem lại những lợi ích kinh tế đồng thời cũng đem lại những tác động về môi trường. Ở châu Âu và Mỹ, khi đưa ga vào trung tâm, nó đặt ra một loại vấn đề, có 1 tầng lớp bị đẩy lùi ra đằng sau bởi vì ga chiếm diện tích lớn, việc tổ chức đi lại xuyên qua nhà ga rất phức tạp, ngoài ra còn những tác động tiêu cực về giá đất, đẩy người nghèo ra bên lề.

PGS.TS.TRẦN TUẤN ANH

Viện trưởng Viện Địa chất - Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam

Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp cận tài liệu này. Tôi đã đọc tất cả các văn bản nhưng chưa thấy ý kiến đề cập đến yếu tố địa chất thuỷ văn.

Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp cận tài liệu này. Tôi đã đọc tất cả các văn bản nhưng chưa thấy ý kiến đề cập đến yếu tố địa chất thuỷ văn. Về mặt cảm quan vì chưa có số liệu cụ thể, thì với độ sâu của ga là 20m và đỉnh cách mặt đất là 13m mà đặt trong lõi như vậy, tôi nghĩ cũng sẽ có ảnh hưởng, mà cần thiết phải có sự nghiên cứu cực kỳ chi tiết, nó liên quan đến độ rung lắc của đoàn tàu, độ lún đất, độ sâu của móng nhà xung quanh. Độ sâu 13m (khoảng 2-3 tầng) – 1 độ sâu không quá lớn để có thể làm khoảng đệm. Trong tương lai, khu vực không gian ngầm sẽ được sử dụng nhiều nên cần phải cân nhắc thật kỹ.

GS.TS NGUYỄN VĂN HUY

Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát huy Di sản văn hóa

Nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Nếu chúng ta làm cái ga xa ra khỏi hồ Hoàn Kiếm thì sẽ không tạo ra sự tắc nghẽn giao thông, vì vậy phương án lùi ra xa hồ Hoàn Kiếm thì sẽ hợp lý hơn.

Chúng ta phải hết sức thận trọng với không gian của khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tại sao chúng ta lại đặt nhà ga này ngay sát bờ Hồ mà không nghĩ ra một vị trí khác. Tôi chỉ có băn khoăn là nếu vị trí của nhà ga mà được di chuyển là đằng sau công viên Lý Thái Tổ thì sẽ ra sao. Trong báo cáo có giải trình là tuyến đi dọc phố cổ không thể thực hiện được vì móng của các công trình, vậy các chỗ khác thì như thế nào. Bên tư vấn làm thế nào để tính toán và giải thích vấn đề này? Nếu chúng ta làm cái ga xa ra khỏi hồ Hoàn Kiếm thì sẽ không tạo ra sự tắc nghẽn giao thông, vì vậy phương án lùi ra xa hồ Hoàn Kiếm thì sẽ hợp lý hơn.

KTS NGUYỄN ĐÌNH VIỆT

Chủ nhiệm khoa Kiến trúc, Quy hoạch và Quản lý đô thị – Đại học Đông Đô

Ủy viên BCH Hội KTS Việt Nam

Số người lên xuống ga chắc chắn có 1 phần nào đó là đến thăm quan Hồ Gươm và khu phố cổ, tức là có phần nào đó phục vụ nhưng tỉ lệ này không nhiều. Số đông coi đây là trục giao thông để đi tiếp đến các nơi khác. Vì vậy phải coi đây là nút giao thông chứ không phải để phục vụ di sản.

Chúng tôi đã đặt ra ngay từ đầu câu hỏi “Tại sao không đặt ga C9 và các cửa lên xuống ở ngoài khu vực bảo vệ hồ Hoàn Kiếm?”. Chúng tôi cũng biết có rất nhiều phương án khác, sau họ trả lời là tất cả những phương án đó trên lý thuyết là có thể được nhưng trong thực tế lại có những khó khăn không thể khắc phục được, trong đó có 2 lý do chính là xa khu trung tâm hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ – là những khu vực rất cần tuyến metro ở gần và thứ 2 là đụng chạm đến một số kiến trúc ở trên mặt đất. Cuối cùng là đưa ra phương án chỉ có thể đặt ở bên Hồ Hoàn Kiếm.

Có mấy vấn đề đặt ra ở đây: cửa số 3 vi phạm Luật Di sản Văn hoá. Trong Luật Di sản Văn hoá quy định tất cả các di tích và di sản quốc gia thì khu vực bảo vệ không được phép xây dựng mà nếu có xây dựng thì chỉ có thể vì mục tiêu phục vụ cho di sản, phát huy giá trị di sản. Số người lên xuống ga chắc chắn có 1 phần nào đó là đến thăm quan Hồ Gươm và khu phố cổ, tức là có phần nào đó phục vụ nhưng tỉ lệ này không nhiều. Số đông coi đây là trục giao thông để đi tiếp đến các nơi khác. Vì vậy phải coi đây là nút giao thông chứ không phải để phục vụ di sản.

Theo số liệu mà tôi được cung cấp, trong tình hình hiện nay, 1 ngày sẽ có 5000 người lên xuống ở đây. Phải nói rằng nút giao thông này số người lên xuống rất đông, việc tổ chức giao thông cần phải được nghiên cứu. Hồ Gươm không chỉ là di sản bình thường mà là di tích quốc gia đặc biệt, là đặc trưng của Hà Nội. Nhắc tới Hà Nội không thể không nhắc tới Hồ Gươm. Đối với người dân đây là khu văn hoá trung tâm, một nơi rất linh thiêng.

Không một di sản nào ở Việt Nam có đặc điểm đa dạng và nhạy cảm như hồ Hoàn Kiếm. Vì vậy việc hàng ngày có hàng nghìn người lên xuống rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến môi trường văn hoá. Mặc dù hồ Hoàn Kiếm có những lúc có các sinh hoạt cộng đồng nhưng một trong những đặc điểm của hồ là tính chất yên tĩnh của nó. Vì vậy việc khẳng định không ảnh hưởng là không đúng. Nhưng nếu như không còn giải pháp nào khác mà chỉ có thể đặt ở đây thì sẽ có 2 vấn đề: Thứ nhất là ga đào sâu xuống đất, cách mặt đất 15m, việc xây dựng ở bên dưới với độ sâu như thế về mặt địa chất sẽ ảnh hưởng như thế nào, ai bảo đảm hoàn toàn cho tháp Bút.

PGS.TS PHẠM THÚY LOAN

Viện phó Viện Kiến trúc Quốc gia - BXD

Khoa học có thể cho phép những cơ hội nhưng phải được nghiên cứu và có giải pháp rõ ngay từ đầu cả trên phương diện kỹ thuật, tài chính và năng lực, tránh tình trạng đội vốn hay vượt quá tầm kiểm soát gây hậu quả lâu dài sau này. Đồng thời cũng không thể coi xây nhà ga C9 tại Hồ Gươm như một phép thử tại Việt Nam!

Việt Nam không phải đất nước đầu tiên đối mặt với vấn đề rủi ro cho di sản. Trên thế giới, tất cả các hệ thống ngầm đều đi vào đô thị lịch sử, đều có họng lên ở các khu vực nhạy cảm như các di tích, hoàng thành, cung điện. Vấn đề kỹ thuật trong mối quan hệ với di sản không phải là bài toán mới. Bài toán này thế giới làm quá thường xuyên. Ở Việt Nam thì việc đó không được giải trình cách đầy đủ, và câu trả lời là không hay có theo luật là an toàn nhất đối với những người có trách nhiệm. Đây là bản chất của việc thiếu phối hợp trong tất cả các công việc chung của Việt Nam. Vấn đề ở chỗ là các bên liên quan chưa có đối thoại mở đủ hoặc xuất phát điểm là các bên đã không tin nhau.

Xét về mặt quy hoạch, ga ở Hồ Gươm nhất thiết phải có, vì sẽ tránh việc phải sử dụng phương tiện cá nhân vào khu vực trung tâm, còn việc đặt ở đâu để hạn chế nhất ảnh hưởng đến di sản thì là vấn đề chúng ta cần hướng đến.

Vấn đề này cần được tiếp cận từ nhiều khía cạnh một cách khoa học. Không nên cảm tính theo cách lo lắng cho di sản, mà không nhìn kỹ các vấn đề kỹ thuật. Hầu như Việt Nam là như vậy, khi mình lo lắng về vấn đề nào đó mà lại không có lòng tin vào hệ thống công, thì bất cứ một động thái gì mà hệ thống công khởi xướng thì đều phản đối ngay.

Trong quá trình loài người phát triển, sẽ có những thứ ra đời sau luật, đó là những giải pháp về công nghệ, sáng chế, giúp cho di sản vẫn được đảm bảo nhưng vẫn có thêm những lợi ích khác. Chúng ta không thể loại trừ những khả năng đó, vì một khi đóng cửa cơ hội thì sẽ không còn cơ hội nữa.

Bây giờ phải bình tĩnh, xem xét. Sự viện dẫn luật theo cách không được hay được là dễ nhất. Song, vấn đề không được là do ảnh hưởng về địa chất, về mỹ quan, hay xâm hại gì đó… lại cần phải được khoa học hoá. Nếu như giải pháp đề xuất có thể ngăn được những ảnh hưởng khá là cụ thể đó thì chúng ta có thể chấp nhận. Ví dụ như khi thiết kế trường học, thì trường học phải quay về hướng bắc nam, bởi vì ánh mặt trời theo hướng đông tây. Đây là mô hình trường học thời sơ tán. Còn bây giờ đã có công nghệ Double-skin rồi, ánh nắng hoàn toàn được điều tiết rồi thì nguyên lý đó còn cần thiết nữa không?

Cuối cùng, khoa học có thể cho phép những cơ hội nhưng phải được nghiên cứu và có giải pháp rõ ngay từ đầu cả trên phương diện kỹ thuật, tài chính và năng lực, tránh tình trạng đội vốn hay vượt quá tầm kiểm soát gây hậu quả lâu dài sau này. Đồng thời cũng không thể coi xây nhà ga C9 tại Hồ Gươm như một phép thử tại Việt Nam!

ÔNG PHAN VIẾT LƯỢNG

Ủy viên thường trực UB Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội

Bộ Văn hoá đã có 5 văn bản góp ý, và 5 văn bản đều có những băn khoăn và chưa thống nhất cái gì cả.

Về vấn đề pháp luật, trong luật Di sản Văn hoá, có 3 điểm cần lưu ý: Thứ nhất, về mục đích, trong luật có 3 mục đích chính: 1- là phát huy di sản vì lợi ích di sản, 2 – là phát huy truyền thống, 3 – là phát huy giá trị sáng tạo. Thứ 2 là về điều cấm, trong luật cấm những việc làm sai lệch di tích, có thể dẫn đến huỷ hoại di tích. Thứ 3, trong luật quy định cần phải bảo vệ di tích.

Chúng ta đã thừa nhận là có sự vi phạm ở khu vực bảo vệ 2, và chúng ta có ảnh hưởng vào khu vực 1. Trong luật có quy định, những công trình xây dựng trong di tích không được ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên nhiên, môi trường sinh thái.

Tôi thấy việc này không thuộc về thẩm quyền của Bộ Văn hoá, các đồng chí trong Ban Quản lý bảo là có ý kiến để triển khai theo tôi thấy thì không phải thế. Bộ Văn hoá đã có 5 văn bản góp ý, và 5 văn bản đều có những băn khoăn và chưa thống nhất cái gì cả. Theo tôi, việc này thuộc về thẩm quyền của Thủ tướng.

Theo Minh Ngọc - Đăng Khoa (tổng hợp)

/kientrucvietnam.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào cho nhà ga C9 tại Hồ Gươm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?