Thứ sáu, 19/04/2024 12:49 (GMT+7)

Chủ tịch Hà Nội: Đất có hạn nên nhà cao tầng là xu hướng tất yếu

MTĐT -  Chủ nhật, 17/06/2018 11:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, nhà cao tầng ở Hà Nội là xu hướng tất yếu và không có con đường nào khác vì đất thì có hạn, mà người thì tăng lên.

Ngày 16/6, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu HĐND TP ứng cử tại quận Hoàn Kiếm có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 HĐND TP. Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề như 2 tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ, ùn tắc giao thông tại Thủ đô… được các cử tri quan tâm.

Đáng chú ý, theo Dân trí đưa tin, tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Đức Chung còn được đề nghị giải đáp những vấn đề liên quan đến vấn đề ùn tắc giao thông còn xảy ra phổ biến; trong khi đó thành phố vẫn tập trung xây nhà cao tầng.

Trả lời thắc mắc của cử tri, người đứng đầu TP. Hà Nội cho rằng: “Việc chúng ta phải xây dựng nhà cao tầng là xu hướng tất yếu, chắc chắn chúng ta không có con đường nào khác cả, bởi vì đất có hạn, người thì tăng lên”.

Nhà cao tầng là xu hướng tất yếu của Hà Nội. Ảnh minh họa: Internet. 

Ông Chung đưa ra ví dụ cụ thể ở Singapore diện tích chỉ có 650 km2 và 4,5 triệu dân nhưng hiện có 6.428 tòa nhà 20 tầng trở lên, chưa tính các tòa nhà thấp dưới 20 tầng. Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng có chính sách hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp tư nhân về mặt kỹ thuật, vốn và ưu tiên xây nhà cao tầng.

Theo ông Chung, hiện TP. Hà Nội có khoảng 620 ngàn ô tô các loại, chưa kể ô tô lực lượng vũ trang; 5,5 triệu xe máy; bãi đỗ xe tĩnh thiếu nên việc xảy ra ùn tắc là cả một vấn đề.

“Việc xây dựng các tòa nhà cao tầng phải 70 – 100 năm chứ không phải vài ba năm có thể đập”, ông Chung nói và cho biết, thành phố đang hướng tập trung cho quy hoạch, xây dựng các khu đô thị vệ tinh để đưa bớt dân cư ra khu vực nội đô; phát triển các bãi đỗ xe tĩnh...

Nhà cao tầng kéo theo nhiều hệ lụy

Với một thành phố có tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt như Hà Nội thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc xây các tòa nhà cao ốc để giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân. Thế nhưng, chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, Công ty tư vấn CPG Consultants (Singapore) từng phát biểu trong buổi hội thảo quốc tế tổ chức hồi đầu tháng 6 vừa qua lại cho rằng, dù Singapore có nhiều nhà cao tầng nhưng nhiều tuyến đường nội ô của họ được chạy tốc độ cao, trong khi tại Hà Nội hầu hết đều phải chạy... tốc độ "rùa bò".

Ông Dũng cho rằng việc quá tải hạ tầng ở Hà Nội, TP. HCM ngoài năng lực giao thông kém, phần lớn còn do bài toán thiết kế, vận hành. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần xoáy sâu vào các yếu tố về mật độ bởi giải pháp thiết kế chưa tối ưu nên gây ùn tắc: các dự án cần phải tính toán hài hòa mật độ dân số, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất.

Theo báo Diễn đàn DN, phát biểu tại hội thảo “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam” diễn ra mới đây, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng khẳng định thực trạng quá nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng tại các đô thị lớn ở Việt Nam kéo theo nhiều hệ lụy đô thị. 

Ông Tiến cho biết, tại Hà Nội, không chỉ đường nhỏ, phố nhỏ mới tắc mà ngay cả đường rộng với mặt cắt lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Văn Lương… cũng tắc.

Ví dụ như đường Tố Hữu, từ một con đường thoáng đãng với chiều dài khoảng 6km, mặt cắt 40m, 6 làn xe, hè 2 bên 10m… nhưng giờ đây có khoảng 40 tòa nhà cao tầng bao quanh như một hàng rào đan kín.

Tuyến phố Nguyễn Tuân dài hơn 1km với mặt nhỏ, hè mỗi bên hẹp mà cũng đã có hơn 20 tòa nhà khu chung cư cao tầng đã và đang tiếp tục được xây dựng với mật độ ngày càng cao. Nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng ngay tại các khu đất quá nhỏ trong các ngõ phố chật hẹp.

Ông Tiến cũng nhấn mạnh, việc xây dựng nhiều công trình cao tầng trong khu vực nội đô đang gây nên sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông. Ngoài ra là những bất cập không lường trước được như thiếu đồng bộ về cảnh quan kiến trúc, sự chênh lệch về không gian cùng với các hình thức kiến trúc công trình, phá vỡ cấu trúc đô thị trung tâm và quy hoạch đô thị.

Trái với quan điểm trên, PGS.TS Phạm Hùng Cương (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, bản thân kiến trúc cao tầng không tạo ra nhược điểm cho đô thị. Công nghệ ngày càng hiện đại, nhà cao tầng càng phát huy vai trò của nó. Đó là sự an toàn hơn, tiện nghi hơn, tiết kiệm đất, hiệu quả sử dụng đất cao hơn và sinh thái hơn…

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Hà Nội: Đất có hạn nên nhà cao tầng là xu hướng tất yếu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?