Thứ sáu, 29/03/2024 15:42 (GMT+7)

Điểm lại những sự kiện đô thị nổi bật trong năm 2017

MTĐT -  Thứ hai, 18/12/2017 15:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2017 sắp qua đi, trong năm qua rất nhiều sự kiện về đô thị đã có những tác động mạnh mẽ đến đời sống, xã hội. Bên cạnh đó, vẫn còn những nỗi lo, trăn trở xuất phát từ người dân, cơ quan chức năng.

 Dưới đây là những sự kiện đô thị nổi bật năm qua theo đánh giá bình chọn của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Tòa soạn hoan nghênh và tiếp thu các ý kiến đóng góp của độc giả cả nước về các bình chọn này, cũng như bổ sung khác!

  1. Thủ tướng yêu cầu kiểm tra tòa nhà 8B Lê Trực

Trong số những vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội vài năm gần đây, vụ việc tại công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình) không chỉ nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, Thành ủy - UBND thành phố mà còn được dư luận và nhân dân cả nước biết đến, theo dõi như một “thách thức” cần vượt qua trong nỗ lực chấp hành pháp luật của chính quyền thành phố.

Thời điểm đầu năm 2017, tại buổi làm việc với Quận ủy Ba Đình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, vi phạm tại công trình 8B Lê Trực là trường hợp rất điển hình và thành phố đã kỷ luật nhiều cán bộ.

Đã được hơn 11 năm kể từ ngày chủ đầu tư làm thủ tục đầu tư và gần 3 năm tổ chức phá dỡ phần sai phạm, người dân bỏ tiền mua nhà vẫn đếm từng ngày, chưa thể biết bao giờ mới được dọn về căn nhà mới.

Thủ tướng đề nghị Hà Nội lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh kỷ cương trong trật tự xây dựng đô thị, xây dựng Thủ đô văn minh, lịch sự. 

  1. Thanh tra toàn diện dự án tại Sơn Trà và khu đô thị lấn biển ở Đà Nẵng

Tháng 3 năm 2017, một góc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) đang bị đào xới, được cho là để thi công khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, dự án bị đào xới do Công ty cổ phần Biển Tiên Sa (đóng tại số 7-9 đường Yết Kiêu, Q.Sơn Trà) làm chủ đầu tư.

Qua điều tra phát hiện 40 móng biệt thự chưa được cấp phép nhưng Công ty CP Biển Tiên Sa đã cho xây dựng.

Sai phạm này đã bị UBND quận Sơn Trà lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, buộc ngưng thi công và xử phạt 40 triệu đồng vào tháng 3/2017.

Vào đầu tháng 7 năm 2017, mưa lớn đổ xuống Đà Nẵng khiến lượng bùn, đất đỏ từ khu vực 40 móng biệt thự của dự án khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa đổ xuống biển.

Sáng 6 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở UBND TP Đà Nẵng, ông Bùi Ngọc Lam, phó tổng Thanh tra Chính phủ đã chủ trì công bố các quyết định thanh tra đất đai tại Đà Nẵng, tạm dừng các giao dịch bất động sản có liên quan đối với các dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà đến khi có văn bản thu hồi, hủy bỏ nội dung văn bản này. 

 3. Công bố hàng loạt dự án không đảm bảo phòng cháy chữa cháy

Đầu tháng 8/2016, Phòng cảnh sát PCCC Hà Nội đã đưa ra hàng loạt các dự án chung cư tại thành phố Hà Nội không đảm bảo về công tác phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, còn 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng.

Hàng loạt dự án bị phạt tiền, tạm đình chỉ và đình chỉ do vi phạm các quy định về PCCC. Cảnh sát PCCC TP Hà Nội khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không làm việc, kinh doanh và sinh sống khi công trình chưa được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC.

PC66 đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy, không đưa các hộ dân vào ở, công trình vào hoạt động khi chưa được C66 cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

 4. Biệt phủ Yên Bái và tài sản bất minh

Ngày 27 tháng 6 năm 2017, tổ công tác của Thanh tra chính phủ đã công bố quyết định thanh tra nội dung liên quan đến thông tin về tài sản, đất đai của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái.

Vào ngày 23 tháng 10 năm 2017, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc quản lý xây dựng khu biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, cũng như việc kê khai tài sản liên quan đến khu đất khu đất tại tổ 42 và tổ 52, phường Tân Minh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Kết luận thanh tra chỉ rõ ông Quý vi phạm khoản 4, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng khi để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

Ngày 27 tháng 10 năm 2017, ông Phạm Sỹ Quý bị thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo, cho thôi chức vụ Giám đốc Sở TN-MT; điều động đến nhận công tác tại tại Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái, đảm nhiệm chức vụ Phó Văn phòng HĐND tỉnh.

Đầu tháng 12 năm 2017, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã xử phạt hành chính gia đình ông Phạm Sỹ Quý hơn 507 triệu đồng do xây dựng một số công trình sai phép và không phép tại "biệt phủ".

 5. Di dời trung tâm hành chính 2.000 tỷ ở Đà Nẵng

Tòa nhà trung tâm hành chính của TP.Đà Nẵng được khánh thành ngày 8/9/2014.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khoá 9, sáng 11/8/2017, một vị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã phát biểu ý kiến di dời tòa nhà hành chính vì không khí chưa sạch, nóng quá phải bơm không khí vào… sau gần 3 năm sử dụng.

Sau khi ý kiến di dời tòa nhà hành chính đưa ra đã có nhiều ý kiến trái chiều, một số người đồng tình di dời vì cho rằng đây là công trình xấu, có thiết kế không phù điều kiện làm việc ở Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng đây là phương án thiếu tích cực, không phù hợp trong tình hình ngân sách nhà nước eo hẹp, do đó cần nâng cao trách nhiệm quản lý của các cấp Lãnh đạo.

Ngày 26/8, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, việc di dời Trung tâm hành chính mới là ý tưởng chứ không phải làm ngay trong nay mai.

 6. Đường sắt trên caoCát Linh - Hà Đông lùi tiến độ đến cuối năm 2018

Để giảm thiểu ùn tắc giao thông cũng như phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Dự án đường sắt đô thị, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông để phục vụ người dân.

Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13.1 km, được khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2011, dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào 30/9/2017, đưa vào vận hành thương mại trong Quý I/2018.

Ngày 28/9, tàu công trình tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chính thức được đưa lên chạy thử nghiệm. Qua chạy thử ghi nhận, tàu chạy êm, không rung lắc và không có tiếng ồn lớn của động cơ.

Ngày 10/12, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Tổng thầu Trung Quốc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa đề xuất dời chạy thử kỹ thuật đến đầu tháng 9/2018; vận hành, khai thác thương mại vào tháng 11/2018.

 7. Cảnh báo tình trạng dự án ảo tại khu vực xây dựng sân bay Long Thành

Sau khi dự án sân bay Long Thành  tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai được phê duyệt, giá đất ở huyện Long Thành được giới đầu tư chú ý nên luôn trong tình “sốt hầm hập”.

Nhiều công ty môi giới đã "lách luật" bằng cách "bắt tay" với các chủ đất để làm dự án. Thực tế những "dự án đình đám" đó chỉ là các thửa đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được phân lô tách thửa...

Lãnh đạo phòng TN-MT huyện Long Thành nhiều lần phát hiện và ngăn chặn các đơn vị giả chủ đầu tư mua bán đất nền. Thế nhưng, các đơn vị này hoạt động khá tinh vi khi lợi dụng các ngày nghỉ để lén lút chở khách đến chào bán.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai xử lý, ngăn chặn tuyệt đối các trường hợp đầu cơ, chuyển nhượng, xây dựng nhà, đất khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành.

 8. Hà Nội tiếp tục phát sinh hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo

Mỗi một tuyến đường mới được mở ra, lại có thêm những căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” nhô ra mặt phố, những ngôi nhà có hình thù kỳ dị do chỉ còn lại từ 3-5m2, thậm chí có trường hợp chỉ còn lại bức tường dày 12cm nhưng chủ nhân nhất quyết không hợp thửa với hộ liền kề.

Trên nhiều tuyến đường như: Tuyến Vành đai 2, đoạn Nhật Tân-Xuân La-Bưởi-Cầu Giấy, đường Nguyễn Văn Huyên, phố Lê Trực... ở TP. Hà Nội, nhiều ngôi nhà vẫn tiếp tục mọc lên với hình thù kỳ dị, diện tích “siêu nhỏ” nhưng lại được xây rất cao, gây cảm giác thiếu an toàn, mất mỹ quan đô thị.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, yếu tố then chốt chính là do công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị chưa được tốt.

 9. Lùm xùm tại công ty địa ốc Alibaba:  Làm ăn mập mờ, bất chấp pháp luật

Công ty CP Địa ốc Alibaba thành lập tháng 5-2016, trụ sở chính tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Tháng 11 năm 2017, Sở TN-MT TP HCM phát thông báo khẩn cho biết sở liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về 2 công ty Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM và Công ty CP Địa ốc Alibaba (thực chất là một đơn vị điều hành) rao bán dự án chưa đầy đủ thủ tục cần thiết.

Ngày 21-11, UBND TP HCM đề nghị các sở, ngành nhanh chóng kiểm tra hoạt động của công ty địa ốc Alibaba trong việc rao bán đất nền Tây Bắc - Củ Chi. Qua kiểm tra và xác minh, nhận thấy những quảng cáo của Địa ốc Alibaba không đúng sự thật.

Sở Xây dựng TP HCM cho biết hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba đối với dự án ở Củ Chi là hình thức huy động vốn trước khi hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an đã vào cuộc, làm việc với các sở, ngành tại TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm rõ các hoạt động của công ty CP Địa ốc Alibaba.

Khánh Huyền (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Điểm lại những sự kiện đô thị nổi bật trong năm 2017. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.