Thứ bảy, 20/04/2024 05:44 (GMT+7)

VATA gửi tâm thư đến Thủ tướng Chính phủ: ‘Không để Grab ‘lách luật’

Văn Chương -  Thứ ba, 30/10/2018 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ về những bất hợp lý có khả năng tác động ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của ngành vận tải ô tô Việt Nam.

Trong tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng có 2 nội dung bất hợp lý có thể tác động nghiêm trọng nếu Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô  được thủ tướng thông qua trong tháng 10/2018. Văn bản do Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Nguyễn Công Hùng ký.

Áp dụng phần mềm hiện đại đối với 5 loại hình vận tải

Theo VATA, luật Giao thông đường bộ quy định có 5 loại hình vận tải, nhưng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 chỉ quy định áp dụng phần mềm quản lý vận tải hiện đại đối với 2 loại hình vận tải là xe hợp đồng và xe du lịch. Đây là điều không hợp lý, không công bằng, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Hội đồng tư vấn cải cách hành chính - VPCP.

Thực tế chứng minh, do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm, đồng thời các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, bảo kê cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lời bất chính, gây mất an toàn giao thông.

Hiệp hội kiến nghị, nghị định mới cần xác định cụ thể thời hạn áp dụng phần mềm quản lý tự động đối với cả 5 loại hình vận tải; quy định chuẩn về dữ liệu thông tin bắt buộc như: lộ trình, chủng loại phương tiện, số lượng hành khách, người lái xe.

Quy định về việc chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý như Tổng cục Đường bộ, Cơ quan Thuế để quản lý đồng bộ gắn với NĐ 119/2018 NĐ-CP, nhằm ngăn chặn tình trạng “xe dù, bến cóc”, vi phạm luật giao thông, gây mất an toàn giao thông và thất thu ngân sách Nhà nước, tạo tiền đề cho việc gỡ bỏ các điều kiện quản lý thủ công, theo đúng chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh của Hội đồng tư vấn cải cách hành chính – VPCP, mà ngay trong văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp cũng đã kiến nghị điều này.

Xác định đúng bản chất các loại hình vận tải, ngăn chặn “lợi ích nhóm”

Tâm thư nêu rõ, từ khi có loại hình taxi công nghệ, các doanh nghiệp taxi Việt Nam đã có những thay đổi, chuyển biến rất tích cực, học hỏi chắt lọc nhiều kiến thức mới, mở rộng mạng lưới kinh doanh cả về quy mô, chất lượng dịch vụ để hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, không vì thế mà các doanh nghiệp phần mềm công nghệ lợi dụng quyết định 24/QĐ-BGTVT, để vi phạm pháp luật.

Kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM tại phiên tòa xét xử Vinasun kiện Grap đã chỉ ra: “Loại hình taxi công nghệ không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải theo đề án thí điểm. Thực tế, loại hình này đã lợi dụng đề án thí điểm để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi”.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Cụ thể, các doanh nghiệp phần mềm công nghệ tuyển tài xế, điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và tăng giảm giá, thu tiền trực tiếp của khách vào tài khoản của các doanh nghiệp phần mềm công nghệ; thực hiện chương trình khuyến mại có cả đi xe giá 0 đồng”.

Đại diện Viện kiểm sát, cho rằng đủ cơ sở xác định loại hình taxi công nghệ bản chất là Doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

VATA cho rằng các doanh nghiệp taxi hiện nay nhiều thiệt thòi như chính sách thuế khác nhau, điều kiện kinh doanh khác nhau so với Grab. Do vậy, các doanh nghiệp vận tải Việt Nam khó lòng cạnh tranh sòng phẳng với Grab.

Đến nay, qua 3 năm thí điểm với 6 lần chỉnh sửa Dự thảo Nghị định, rất nhiều cuộc họp, hội thảo, có sự thảo luận kỹ lưỡng của các doanh nghiệp, bộ, ngành và chuyên gia, báo chí…, Bộ GTVT đã thống nhất xác định các doanh nghiệp phần mềm hoạt động dưới dạng taxi công nghệ là loại hình taxi công nghệ chứ không phải xe hợp đồng điện tử. Chúng ta nên học tập kinh nghiệm quản lý loại hình mới này tại các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Anh, Pháp, Đức cũng như theo đúng kết luận của Tòa án Công lý Châu Âu đây là loại hình taxi công nghệ.

Có biểu hiện đi vận động hành lang nhằm thu lợi?

Hiệp hội chỉ ra, hiện nay các doanh nghiệp taxi công nghệ có biểu hiện đi vận động hành lang, lấy danh nghĩa là bảo vệ cái mới, ủng hộ việc ứng dụng dụng khoa học công nghệ thời đại 4.0 để ngụy biện và đưa ra những luận điểm nhằm đánh tráo khái niệm, thu lợi từ việc duy trì những điều kiện kinh doanh bất bình đẳng với loại hình xe taxi.

Thứ nhất: Grab sử dụng loại xe dưới 9 chỗ như taxi; giá cước hoàn toàn do Grab quyết định, các HTX hoặc lái xe không có quyền đưa ra cũng như không thể can thiệp vào quá trình ban hành giá cước. Về hoạt động điều hành, Grab trực tiếp nhận yêu cầu đặt xe của khách hàng, trực tiếp điều phối xe đến đón khách, trực tiếp thu tiền của khách hàng sau đó chi trả trực tiếp cho lái xe; trong quá trình kinh doanh, các thông tin được truyền trực tiếp từ Grab đến lái xe, Grab có quyền xử phạt thậm chí loại bỏ lái xe…

Như vậy, nếu đối chiếu với quy định của Luật GTĐB thì loại hình kinh doanh này chính là loại hình taxi gắn với sử dụng công nghệ. Trên thực tế, Bộ Tư pháp, Bộ giao thông, Bộ công an, Tổ công tác của Thủ tướng, Cục kiểm soát thủ tục hành chính khi thẩm định Dự thảo Nghị định đều khẳng định bản chất đó là xe taxi công nghệ và hoạt động của Cty này là hoạt động kinh doanh vận tải taxi.

Thứ hai, Grab hiện đang được hưởng rất nhiều lợi thế từ điều kiện kinh doanh không công bằng đem lại. Grab hoạt động như một hãng taxi nhưng không phải chịu điều kiện của kinh doanh tải, không phải chịu chính sách thuế như doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, việc hạ giá thành của Grab là dựa trên việc lách luật trốn thuế.

Hiệp hội chỉ ra, việc hạ giá của Grab chủ yếu là sử dụng nguồn lực từ các quỹ đầu tư nước ngoài áp dụng chiến lược lấy thị phần trước, sau khi chiếm lĩnh xong sẽ tăng giá trở lại. Grab thực hiện khuyến mại giảm giá tràn lan, vi phạm luật cạnh tranh để nhằm thôn tính, độc quyền thị trường.

Hành vi độc quyền của Grab đã bị xử phạt 9,5 triệu đô la tại Singapo, còn ở Việt Nam thì Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương đang tiến hành điều tra việc vi phạm luật cạnh tranh. “Hiệp hội khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với tất cả các doanh nghiệp vận tải bao gồm cả các doanh nghiệp phần mềm công nghệ, cùng với các lãnh đạo các bộ, cơ quan tư pháp, các chuyên gia tâm huyết mong muốn cống hiến các giải pháp để thay đổi ngành vận tải nước nhà, đồng thời ngăn chặn tình trạng “chạy chính sách” vì lợi ích nhóm”, VATA kiến nghị.

Bạn đang đọc bài viết VATA gửi tâm thư đến Thủ tướng Chính phủ: ‘Không để Grab ‘lách luật’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...