Thứ sáu, 29/03/2024 20:32 (GMT+7)

TP.HCM: Tăng trợ giá xe buýt thế nào cho hiệu quả?

MTĐT -  Thứ ba, 11/09/2018 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 9/9, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi chủ đề “Trợ giá xe bus – Hiệu quả và giải pháp”.

Các hợp tác xã hành khách công cộng - xe buýt xin nâng mức trợ giá.

Trong buổi trao đổi, nhiều ý kiến cho rằng, phải tăng mức trợ giá cho xe buýt do bộ tính định mức năm 2009 đã lỗi thời, trong khi hàng loạt giá khác như xe, nhiên liệu, lương nhân viên… liên tục tăng.


Hiệu quả nhờ trợ giá

Tại buổi chương trình, ông Trần Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM cho biết: Bắt đầu từ việc trợ giá với mức chỉ 40 tỷ đồng đến nay ngân sách hàng năm chi cho trợ giá đã lên đến 957 tỷ đồng. Trợ giá xe buýt đã phát huy được hiệu quả tốt trong thời gian qua.

Về cơ cấu giá vé hỗ trợ, ông Trung cho hay, hành khách phổ thông có giá 5.000 đồng/lượt đối với các tuyến có cự ly dưới 18 km, các tuyến có cự ly trên 18 km thì giá vé ở mức 6.000 đồng/lượt, hành khách là sinh viên học sinh giá vé giảm mạnh còn 2.000 đồng/lượt. Riêng trẻ em dưới 1,3m và người già, người khuyết tật, thương bệnh binh được miễn phí hoàn toàn. 

“Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố thông qua kinh phí 1.000 tỷ đồng/năm cùng với sự hỗ trợ của các sở ngành đạt được kết quả nhất định. Khối lượng vận chuyển phổ thông tăng từ 18 triệu lượt trong năm 2012 lên 223 triệu lượt năm 2017, mức tăng hơn 12 lần. Rõ ràng, việc trợ giá xe buýt giúp giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, quan trọng hơn cả là thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người người dân” - ông Trần Chí Trung nhận định.

Đồng quan điểm về tính hiệu quả của hệ thống vận tải hành khách công cộng mà cụ thể là xe buýt, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM khẳng định, trợ giá xe buýt trong 12 năm qua đạt hiệu quả cao. Kết quả cho thấy, khối lượng vận chuyển tăng 12 lần, từ 157 ngàn khách lên từ 650.000 ngàn lượt/ngày góp phần rất lớn vận tải hành khách công cộng, đáp ứng 9,5% nhu cầu đi lại.

Dù hoạt động trợ giá xe buýt đang đạt được hiệu quả cao, thế nhưng các đơn vị trực tiếp thực hiện trợ giá đang gặp khó khăn.

Ông Trần Chí Trung cho rằng, bộ định mức đơn giá từ năm 2009 không còn phù hợp vì chi phí đầu vào tăng, như: Giá xe, giá xăng, tiền lương...

Ngoài ra, do sản lượng hành khách hiện nay bão hòa, vì vậy doanh thu không bù lại chi phí bỏ ra, nên thương thảo hợp đồng với doanh nghiệp diễn ra chậm. Ngoài ra, cần có biện pháp để thu hút người dân sử dụng xe buýt công cộng để góp phần giảm ùn tắc, tăng sản lượng, tăng doanh thu, giảm ngân sách.

Không thể trợ giá đối với tuyến giảm hành khách

Liên quan đến mức trợ giá xe buýt, ông Trần Thanh Tùng – xã viên Hợp tác xã Vận tải Quyết Thắng phân trần: “Vài năm trở lại đây tất cả chi phí hoạt động của xe buýt tăng cao, giá trị đầu tư xe mới tăng 2 - 3 lần so với đơn giá định mức nhưng việc khấu hao xe lại áp dụng đơn giá năm 2009, hệ số lương tăng, tiền lương cơ bản chênh lệch từ 1 – 2 lần. Điều đặt biệt, giá nhiên liệu liên tục tăng nhanh, chỉ tính riêng năm 2018, giá nhiên liệu đã tăng lên 8 lần. Cần có đơn giá mới để các xã viên của  hợp tác xã yên tâm phục vụ, gắn bó với nghề”.

Tương tự, bà Tống Thị Thu Thanh – Phó giám đốc Hợp tác xã Vận tải Quyết Thắng cho rằng, trợ giá xe buýt là trợ giá cho người đi, đơn vị vận chuyển chỉ nhận lại một phần trợ giá với định mức 49%/chuyến theo đơn giá nhà nước. Việc trợ giá trong năm 2013 đã gặp nhiều khó khăn về đơn giá, chưa kể lượng hành khách bão hòa. Nhiều tuyến buộc phải đầu tư xe mới, trong khi giá xe mới cao gấp 3 lần so với giá xe đầu tư trong năm 2002.

Trả lời về việc tăng trợ giá cho xe buýt, bà Lê Ngọc Thùy Trang – Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM cho hay, đã trình hội đồng thẩm định phê duyệt bộ định mức giá mới áp dụng cho phương tiện đầu tư mới.

Theo bà Trang, để quản lý và sử dụng ngân sách hỗ trợ hiệu quả cần rà soát lại luồng tuyến. Những tuyến trùng lặp, những tuyến không hiệu quả thì không được tăng trợ giá.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường cho rằng, một thành phố lớn, đông dân cần có nhiều loại hình giao thông công cộng khác nhau để đáp ứng tốt như cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, trong khi thành phố đang chờ các loại hình giao thông khác phát triển như: Giao thông đường thủy, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị thì xe buýt vẫn là loại hình giao thông chủ lực.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải kiến nghị, thành phố nên tiếp tục quan tâm đến trợ giá, và nếu được, nên áp dụng thời gian 3 năm để đơn vị thực hiện yên tâm đấu thầu trợ giá.

Trước những kiến nghị tăng trợ giá để hệ thống xe buýt hoạt động hiệu quả hơn, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, không phải mức trợ giá bao nhiêu, vấn đề chính là đầu tư sao cho đạt hiệu quả tốt. 

P.V (Theo Đại Đoàn Kết)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Tăng trợ giá xe buýt thế nào cho hiệu quả?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới