Thứ sáu, 29/03/2024 03:57 (GMT+7)

Đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Vốn từ đâu?

MTĐT -  Thứ ba, 20/11/2018 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước tình trạng quá tải nghiêm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tháng 10/2018, Bộ giao thông vận tải (GTVT) đã công bố quy hoạch mở rộng cảng hàng không này.

Theo đó, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có tổng diện tích đất được quy hoạch điều chỉnh là 791 ha (chưa bao gồm diện tích đất quốc phòng), trong đó diện tích cảng hiện hữu là 545 ha; diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ gần 20 ha; diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng hơn 18ha; diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam hơn 35 ha; diện tích đất bổ sung phía Bắc hơn 171 ha.

Theo quy hoạch đến năm 2025, sân bay đạt công suất thiết kế 50 triệu hành khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa từ 0,8-1 triệu tấn/năm.

Với khu bay, quy hoạch giữ nguyên 2 hệ thống đường cất hạ cánh (CHC) 25R/07L kích thước 3.050mx45m và CHC 25L/07R kích thước 3.800mx45m. Sân đỗ tàu bay được bổ sung sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách T3 và sân đỗ phía Tây Nam đáp ứng 56 vị trí.

Đối với nhà ga, quy hoạch mới sử dụng hệ thống nhà ga hành khách T1 và T2 hiện hữu; cải tạo, mở rộng công suất đạt khoảng 30 triệu khách/năm. Đồng thời, bổ sung nhà ga hành khách T3 ở phía Nam đáp ứng công suất 20 triệu khách/năm.

Quy hoạch nhà ga hàng hóa, khu xử lý logistics sử dụng hệ thống nhà ga hàng hóa hiện hữu và và bổ sung thêm nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa và khu xử lý logistics tại khu vực phía Bắc trên diện tích đất 20,2ha.

Về quy hoạch giao thông, đối với đường ra vào cảng sẽ sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu, quy hoạch tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với quy mô 4-6 làn xe; mở rộng rộng đường Hoàng Hoa Thám vào đường Thân Nhân Trung quy mô 4 làn xe, mở rộng đường 18E quy mô 4-6 làn xe.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn vốn đầu tư vẫn còn là vấn đề được nhiều người đặt ra. Theo VietnamFinance, trong báo cáo mới nhất về việc đầu tư xây dựng, nâng cấp 16 sân bay, phía ACV tính toán, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ mất khoảng 13.000 - 15.000 tỷ đồng.

Theo ACV nguồn vốn trên sẽ được tài trợ từ nguồn vốn của ACV. Nếu được Chính phủ, Bộ GTVT đồng ý, phía ACV dự kiến sẽ khởi công dự án ngay trong Quý 2/2019.

Theo quy hoạch đến năm 2025, sân bay đạt công suất thiết kế 50 triệu hành khách/năm. Ảnh: Internet. 

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cũng thừa nhận, hiện ACV đã cân đối nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng tại 21 cảng hàng không sân bay đang khai thác, trong đó có các công trình nâng cấp, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch mới được phê duyệt.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, sau khi ACV cổ phần hoá, các công trình thuộc khu bay là công trình dùng chung của dân dụng và quân sự, thuộc tài sản Nhà nước, do Nhà nước quản lý và đầu tư.

Hiện Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ, dự kiến khoảng 4.466 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường băng và đường lăn CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, hệ thống hàng rào an ninh khu bay và đường công vụ tuần tra tại một số CHK.

Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách nhà nước (NSNN) như trên, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện các dự án này hoặc sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển của ACV để thực hiện đầu tư như kiến nghị của ACV.

Riêng đối với khu dịch vụ kỹ thuật phía Bắc như hangar, suất ăn, xăng dầu, ga hàng hoá và logistics. Do đây là công trình cung cấp dịch vụ, không phải các công trình hạ tầng thiết yếu của cảng hàng không nên Bộ GTVT sẽ tổ chức công bố danh mục để kêu gọi xã hội hoá đầu tư theo hình thức doanh nghiệp trực tiếp đầu tư.

“Theo đó, trong hai năm 2018 - 2019, Bộ sẽ thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư trước khi lựa chọn nhà đầu tư (dự kiến từ năm 2019 - 2020). Sau đó, sẽ cần 2 năm thực hiện công tác GPMB để có thể triển khai xây dựng công trình từ năm 2022”, ông Thọ đánh giá.

Trước đó, trong công văn vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT cho biết, nếu thực hiện xã hội hóa đầu tư, Bộ GTVT sẽ phải tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP mất 1,5 - 2 năm.

Do đó, việc nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm khó có thể hoàn thành vào năm 2022, trong khi áp lực quá tải tới cửa ngõ hàng không lớn nhấvậy, Bộ GTVT kiến nghị giao ACV ưu tiên triển khai ngay nhà ga hành khách T3 công suất 20 triệu lượt khách/năm, sân đỗ, đường giao thông phụ trợ trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để giảm ùn tắc giao thông. Thời gian đầu tư các hạng mục này dự kiến từ năm 2018 đến năm 2020. ACV cũng sẽ gánh trách nhiệm đầu tư 2 hạng mục không có khả năng sinh lời, nhưng được đánh giá là “cấp bách, không thể không đầu tư” là hồ chứa nước, trạm bơm cưỡng bức (năm 2018 - 2019) và hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối, cải tạo đường cất hạ cánh 25R/07L (năm 2019 - 2020).

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Vốn từ đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.