Thứ tư, 24/04/2024 12:43 (GMT+7)

Buýt TP.HCM bỏ tuyến vì trợ giá thấp, giải ngân chậm

MTĐT -  Thứ tư, 19/09/2018 14:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt năm 2018 Trung tâm Quản lý GTCC (thuộc Sở GTVT TP.HCM) mới giải ngân được 447 tỷ.

Trạm xe buýt Hàm Nghi, quận 1 - Ảnh: Đỗ Loan

Nhiều xã viên các hợp tác xã (HTX) xe buýt tại TP.HCM cho rằng, đơn giá định mức trợ giá xe buýt ban hành năm 2009 quá thấp trong điều kiện nhiên liệu, chi phí liên tục tăng. Đặc biệt, tiền trợ giá xe buýt về tay xã viên quá chậm trễ khiến nhiều tuyến bị giảm chuyến, ngưng hoạt động…

Sản lượng xe buýt giảm mạnh

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, lượng hành khách đi xe buýt đạt 95,9 triệu lượt, bằng 32% so với kế hoạch dự toán năm 2018, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2017. Đến thời điểm này, 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt năm 2018 Trung tâm Quản lý GTCC (thuộc Sở GTVT TP.HCM) mới giải ngân được 447 tỷ đồng.

Cụ thể, tuyến 40 đã ngưng hoạt động từ tháng 8/2017; tuyến 17 mất chuyến liên tục; tuyến 51 ngưng hoạt động; tuyến 146 để xảy ra tình trạng mất chuyến hàng loạt (từ 14 xe hoạt động ban đầu, nay chỉ còn 9 xe); tuyến 44 và 78 nhiều xã viên cũng xin rút phương tiện (từ 32 xe nay chỉ còn 16 xe). Ngay như tuyến 88 và 99 là những tuyến buýt được HTX Đông Nam đánh giá hoạt động hiệu quả nhất, có lượng khách cao thời gian gần đây cũng đã xảy ra tình trạng mất chuyến.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Quản lý GTCC đã chuyển hơn 16,6 tỷ đồng tiền tạm ứng trợ giá cho HTX Đông Nam. Tuy nhiên, HTX này chỉ chi 50% số tiền trên phục vụ trợ giá cho các tuyến, số còn lại, tạm ứng cho các tuyến đầu tư xe theo Đề án 1680; trả nợ góp và lãi vay cho các tuyến đầu tư theo đề án trên; một phần kinh phí dùng để chi hoạt động thường xuyên của đơn vị.

Một xã viên chạy tuyến 99 cho hay, để duy trì hoạt động của phương tiện phải đi vay tiền bên ngoài với lãi suất cao. Nguyên nhân bởi từ đầu năm đến nay, xã viên chỉ được ứng tiền trợ giá 8 triệu đồng/xe, trong khi những năm trước được thanh toán đầy đủ khoảng 30 triệu đồng/xe/tháng. Theo xã viên này, nếu tình trạng chậm cấp tiền trợ giá kéo dài, phương tiện sẽ buộc phải ngưng hoạt động.

Còn theo bà Tống Thị Thu Thanh, Phó giám đốc HTX Vận tải Quyết Thắng, hai năm nay, tình hình trợ giá rất khó khăn, mức trợ giá quá thấp, nhất là các tuyến đầu tư phương tiện mới theo chủ trương của TP với đơn giá xe cao gấp 3 lần giá xe doanh nghiệp đầu tư năm 2002. Đây cũng là nguyên nhân khiến các đơn vị không thể ký hợp đồng với Trung tâm Quản lý GTCC dẫn đến tình trạng đến nay đã 8 tháng doanh nghiệp vẫn chưa nhận đủ trợ giá TP thanh toán cho doanh nghiệp phần còn lại. Bà Thanh kiến nghị TP sớm ban hành bộ định mức đơn giá chi phí vận hành xe buýt mới đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí liên quan cho từng loại xe. Đồng thời, giải quyết ổn thỏa việc chi trả tiền hỗ trợ lãi vay đầu tư xe mới theo Đề án 1680 nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đâu là nguyên nhân?

Trao đổi với PV, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý GTCC cho biết, nguyên nhân của việc chậm giải ngân tiền trợ giá là do Trung tâm và các HTX chưa ký được hợp đồng. “Kinh phí thấp nên các đơn vị không đồng ý ký hợp đồng vì chi phí đầu vào tăng. Trung tâm vận dụng tối đa để tạm ứng cho các doanh nghiệp, HTX. Chúng tôi muốn thanh toán hết tiền trợ giá cho các đơn vị để họ hoạt động, nhưng hợp đồng chưa ký, không trả được. Ôm 1.000 tỷ của Nhà nước như quả bom...”, ông Trung nói.

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, việc xảy ra tại HTX Đông Nam do tài chính của HTX khó khăn từ nhiều năm trước và cách quản lý yếu, nhiều tài xế đã bỏ chuyến. Trong việc cấp trợ giá xe buýt cho HTX, Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý GTCC thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. HTX sau đó hoạt động trên cơ sở phân bổ trợ giá cho các xã viên. Để chấn chỉnh tình trạng như vừa qua, Sở đã đề nghị HTX lập một tài khoản riêng, chỉ chuyên việc phân bổ trợ giá cho các xã viên thay vì tài khoản như trước bị ngân hàng khấu trừ khoản nợ trước đây.

Giải thích lý do cấp trợ giá chậm cho các HTX, ông Lâm cho hay, Sở không chậm giải ngân mà do hợp đồng chưa đàm phán được với các HTX, thời gian đàm phán kéo dài. Những khó khăn như chi phí nhiên liệu tăng, khấu hao xe mới… được tính toán lại, trên cơ sở đó mới đàm phán với HTX, sau đó mới có thể giải ngân được.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, trợ giá xe buýt trong 3 năm gần đây không tăng mà còn giảm. Mỗi năm kinh phí khoảng 1 nghìn tỷ nhưng yêu cầu ngành GTVT phải mở thêm các luồng tuyến mới, đổi mới phương tiện để giữ và tăng khách đi xe buýt. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, sản lượng hành khách công cộng đạt 15% (hiện nay là 9,6%) nhu cầu đi lại của người dân TP. Để đạt được mục tiêu này, phải mở thêm các luồng tuyến mới, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo kế hoạch, phải mở được ít nhất là 80 tuyến/năm để đến cuối năm 2020, số tuyến tăng từ 200 - 220 tuyến so với hiện nay; đoàn phương tiện cũng tăng lên khoảng 5.600 xe.

“Không chỉ có việc biết tiêu tiền trợ giá mà phải tạo ra nguồn thu; xã hội hóa và cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ. Sắp tới, phải đấu thầu hệ thống xe buýt, gắn với đó phải kiểm soát được các cơ cấu chi phí, giá vé hợp lý cũng như có hệ thống vé thông minh để tính toán tổng sản lượng của hệ thống xe buýt”, ông Cường cho hay.

Theo Báo Giao Thông

Bạn đang đọc bài viết Buýt TP.HCM bỏ tuyến vì trợ giá thấp, giải ngân chậm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.