Thứ năm, 18/04/2024 20:45 (GMT+7)

Báo động tình trạng “con nghiện” ngồi sau vô lăng

MTĐT -  Thứ năm, 24/01/2019 17:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Hải Dương khiến 8 người chết một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lái xe sử dụng ma túy khi tham gia giao thông.

4 ngày phát hiện 20 tài xế dương tính với ma tuý

Trước đó, sau vụ xe contener tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ ở Long An khiến hơn 20 người thương vong, lực lượng CSGT toàn quốc tổng kiểm tra toàn bộ tài xế xe container, xe tải, xe kinh doanh vận tải khách từ 8 chỗ trở lên đã phát hiện nhiều trường hợp tài xế dương tính với ma túy.

Vnexpress đưa tin, ngày 24/1, Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay sau 4 ngày ra quân tổng kiểm tra hành chính đối với tài xế trên toàn quốc, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều lái xe dương tính với ma tuý.

Trong đó tỉnh Lai Châu có số tài xế bị phát hiện dương tính với ma tuý nhiều nhất. Cụ thể qua kiểm tra gần 300 trường hợp, CSGT tỉnh này đã phát hiện 12 người dương tính với ma tuý gồm 10 lái xe khách, 2 lái xe tải.

Tại Bình Phước, trong ngày 22/1, cảnh sát đã phát hiện 3 tài xế xe container, xe tải dương tính với ma tuý; thu giữ một chiếc cóng để sử dụng ma tuý đá trên cabin của tài xế.

Trước đó trong các ngày từ 21 đến 23/1, lực lượng chức năng cũng phát hiện 6 tài xế dương tính với ma túy khi kiểm tra tại cảng Cát Lái (TP HCM), huyện Diễn Châu (Nghệ An) và hai tuyến cao tốc cửa ngõ Hà Nội...

Tuy nhiên, những tài xế này không thừa nhận mà cho rằng đang uống thuốc điều trị bệnh nên có thể trong thuốc có… chất gây nghiện.

Công an kiểm tra tại cảng Cát Lái (TP. HCM).

Vì sao lái xe nghiện ma túy dễ gây ra tai nạn?

Tài xế nghiện ma túy có thể gây nguy hiểm cho người khác khi rơi vào hai trạng thái đói thuốc hoặc phê thuốc. Nếu đói thuốc, lái xe sẽ thấy mệt mỏi, chảy nước mắt, thiếu quan sát và xử lý tình huống chậm. Còn khi phê thuốc, sẽ bị hưng phấn quá độ, dễ mất kiểm soát về thần kinh. Trong cơn ảo giác, những lái xe trở thành những “hung thần xa lộ”. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc diễn ra bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe “phê” ma túy, không làm chủ được tốc độ, tay lái.

Trao đổi với ANTV, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: "Nó thường gây nên những cái ảo giác, gây nên hoang tưởng và nó làm cho con người ta, tính cách của họ trở nên hung bạo, rất dễ xung động, rất dễ bạo lực, coi mình là siêu nhiên, có những hành vi cực kì là nguy hiểm."

Hiện trường vụ tai nạn ở Long An làm 4 người chết.

Bác sĩ Vũ Ngọc Úy, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: "Hàng năm chúng tôi tiếp nhận rất nhiều người bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy, trong số đó có rất nhiều người đã từng và đang làm nghề lái xe. Họ vào với chúng tôi thì đa phần họ đều loạn thần và có người thì hưng cảm, có người thì trầm cảm. Chúng tôi phải điều trị rất tích cực để giải quyết cái rối loạn tâm thần của người ta đi."

Theo quy định hiện hành, các tài xế, đặc biệt là cái tài xế xe khách và xe vận tải hạng nặng phải được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần thì mới đủ tiêu chuẩn tiếp tục điều khiển phương tiện. Thế nhưng thực tế là hiện nay công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan quản lý hiện vẫn buông lỏng nhiều năm qua dẫn đến việc nhiều tài xế, chủ doanh nghiệp không chấp hành các quy định này.

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe?

Theo Khoản 7 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định: Cấm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.

Còn tại Khoản 11 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

Quy định là vậy thế nhưng trên thực tế cho thấy có nhiều lỗi vi phạm của người tham gia giao thông, nếu căn cứ quy định trên thì chưa đủ sức răn đe và giáo dục, đặc biệt đối với hành vi sử dụng ma túy dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng như vừa qua.

Các chế tài hiện hành như phạt tiền, tước giấy phép lái xe, chấm dứt hợp đồng lao động… vẫn đang được áp dụng nhưng chưa đủ mạnh, chưa hiệu quả vì tài xế bị cho nghỉ việc nơi này thì họ vẫn có thể đến nơi khác hành nghề.

Hiện trường vụ tai nạn ở Hải Dương. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần quy định tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp rõ ràng, cụ thể hơn. Nếu phát hiện tài xế dương tính với chất ma túy cần phải tịch thu bằng lái, cấm hành nghề lái xe vĩnh viễn. Đồng thời, ràng buộc trách nhiệm với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Nếu doanh nghiệp không chấp hành, để xảy ra tình trạng lái xe dương tính ma túy thì tước giấy phép kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, các doanh nghiệp vận tải làm tốt khâu tuyển dụng và thực hiện tốt việc giám sát, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đạo đức, kỹ năng của tài xế thì chắc chắn sẽ không có những vụ tai nạn đau lòng do tài xế uống rượu bia, nghiện ma túy gây ra như vừa qua.

Vì thế, để ngăn chặn ngay từ đầu hậu quả đau lòng, khi phát hiện tài xế trong cơ thể có chất ma túy, ngoài việc xử lý tài xế, cần xử phạt nặng doanh nghiệp vận tải về việc sử dụng lái xe nghiện ma túy, thậm chí có thể truy tố trước pháp luật hoặc rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi mà việc này được làm nghiêm túc thì các doanh nghiệp vận tải khác sẽ “không dám” và “dám cũng không được” khi sử dụng tài xế là những “con nghiện”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Báo động tình trạng “con nghiện” ngồi sau vô lăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.