Thứ sáu, 29/03/2024 05:26 (GMT+7)

ACV muốn hợp pháp việc thu phí ô tô ra vào sân bay

MTĐT -  Thứ năm, 22/03/2018 11:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc thu phí phương tiện ra vào sân bay của ACV là sai, không đúng quy định nhưng đến nay, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục thu phí và kiến nghị Bộ GTVT hợp pháp hóa.

Tất cả các sân bay đều thu phí xe ra vào 

ACV cho biết, hiện nay, đối với xe ô tô ra, vào tất cả các cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác đều thực hiện thu tiền sử dụng đường và sân đỗ ô tô. Việc thu phí dịch vụ đường dẫn vào nhà ga là một hoạt động có quá trình hình thành lâu dài từ khi các đơn vị quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay trên cả nước và được thực hiện từ năm 2000 theo quyết định của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Theo ACV, việc tổ chức thu phí dịch vụ đường dẫn vào nhà ga bao gồm 2 nhóm: nhóm các cảng thu riêng dịch vụ đường dẫn và dịch vụ sân đỗ ô tô (gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh). Lý do bởi các cảng hàng không (CHK) này có tần suất hoạt động bay cao nên lưu lượng xe ô tô ra, vào đón, trả khách rất lớn. 

Đơn vị quản lý các sân bay trên cả nước cho rằng mình thu phí ô tô ra vào sân bay là đúng

ACV đã đầu tư các vị trí đỗ ô tô tại các khu vực riêng biệt phục vụ xe chờ đón khách và thực hiện thu giá dịch vụ theo thời gian đỗ lại thực tế thông qua trạm tính tiền tự động.

Các xe ô tô ra, vào và sử dụng sân đỗ thì thu phí theo lượt và giá theo thời gian thực tế sử dụng sân đỗ. Các trường hợp xe ô tô ra, vào đưa đón khách không có nhu cầu đỗ lại chờ khách thì chỉ thực hiện thu giá theo lượt. Việc thu phí được tổ chức trên cơ sở hệ thống thu phí tự động.

Còn nhóm 17 CHK còn lại do tần suất hoạt động của chưa cao, các cảng chỉ thực hiện thu một lần giá theo lượt cho cả dịch vụ sử dụng sân đường và sân đỗ ô tô, không giới hạn thời gian đỗ để chờ đón, trả khách tại nhà ga.

Theo ACV, hiện ACV phân cấp ủy quyền cho các CHK chủ động xây dựng phí dịch vụ sân đỗ ô tô trên cơ sở bù đắp một phần chi phí đầu tư, chi phí duy trì hoạt động nhưng phải đảm bảo hài hòa với mức giá dịch vụ tương đồng tại khu vực công cộng của địa phương và thực hiện niêm yết giá tại các cảng hàng không theo quy định.

Đối với toàn bộ số tiền thu được từ việc thu phí dịch vụ sân đường dẫn vào nhà ga, Tổng công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách theo quy định và hạch toán vào kết quả kinh doanh của ACV. Toàn bộ số tiền thu được hòa chung cùng các nguồn thu khác để chi trả chi phí sản xuất kinh doanh thường xuyên của ACV và chi đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kế cấu hạ tầng tại các cảng hàng không nói chung và hệ thống đường dẫn vào nhà ga hành khách nói riêng.

ACV cho biết, từ thời điểm thành lập ACV đến nay, tất cả các hệ thống đường dẫn vào nhà ga, sân đỗ ô tô, hệ thống chiếu sáng cho sân đường đều do ACV thực hiện đầu tư từ quỹ đầu tư phát triển của ACV, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và chi phí khai thác đường dẫn vào nhà ga, sân đỗ do ACV chi trả từ chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên của Tổng công ty.

Hơn nữa, trong phương án cổ phần hóa ACV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã được triển khai thực hiện, toàn bộ giá trị tài sản nhà ga và đường dẫn vào nhà ga đã được xác định lại giá trị và tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Kiến nghị hợp pháp hóa việc thu phí xe ra vào sân bay

ACV khẳng định, đường dân vào nhà ga sân bay là đường giao thông nội bộ, đã được quy định tại Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

“Đường giao thông nội bộ trong CHK là đường giao thông trong ranh giới CHK, không bao gồm đường giao thông do địa phương quản lý và đường giao thông nội bộ trong sân bay. Như vậy căn cứ theo quy định của pháp luật, đường dẫn vào nhà ga thuộc hệ thống đường giao thông nội bộ trong CHK”, đại diện ACV khẳng định.

Cũng theo ACV, dịch vụ đường dẫn vào nhà ga là dịch vụ phi hàng không thiết yếu, bắt buộc sử dụng và tác động đến số đông. Theo quy định của pháp luật được quy định tại Luật Đất đai 2003 “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có quyền hưởng thành quả, kết quả đầu tư trên đất”.

Do vậy việc ACV tổ chức quản lý, khai thác, trong đó có việc thu giá dịch vụ đường dẫn là phù hợp với quy định của pháp luật.

Dường như ACV cũng khá bất nhất khi vừa khẳng định phí dịch vụ xe ra vào sân bay là phi hàng không, song cũng cho hay, dịch vụ này chưa nằm trong danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu theo quy định hiện hành. 

Bởi vậy, để việc thu phí phương tiện ra vào sân bay được thuận lợi, ACV đã kiến nghị Bộ GTVT hợp pháp hóa quy định này bằng cách bổ sung dịch vụ đường dẫn vào nhà ga thành dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại CHK sân bay. Bên cạnh đó, bổ sung khung giá đường dẫn vào nhà ga.

Trường hợp cần thiết, trên cơ sở khung giá và yếu tố giá thành, chi phí quản lý khai thác, Cục Hàng không sẽ quy định mức giá cụ thể đối với từng cảng hàng không theo quy định của Nghị định 102.

Theo An ninh thủ đô

Bạn đang đọc bài viết ACV muốn hợp pháp việc thu phí ô tô ra vào sân bay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.