Thứ sáu, 29/03/2024 19:26 (GMT+7)

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Có ăn chia, bảo kê cho sai phạm trật tự xây dựng

MTĐT -  Thứ hai, 18/06/2018 15:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, tốc độ đô thị ở Hà Nội quá nhanh, lực lượng quản lý không xuể, xây dựng khắp nơi, xây dựng ngày đêm và cả xây dựng trộm, xây ở những nơi không được phép.

“Tại sao người dân đục một cửa sổ thì biết nhưng xây dựng cả một cái nhà to, một dãy nhà hàng như phố thay cho bãi đỗ xe thì bao nhiêu năm vẫn tồn tại? Điều đó chứng tỏ có liên quan đến vấn đề về lợi ích theo kiểu “ông mất cẳng giò, bà thò chai rượu”, thậm chí là ăn chia, bảo kê cho nhau”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu.

Quy hoạch tại các đô thị lớn hiện nay, nhất là Thủ đô Hà Nội đang được cho là bị “băm nát” với rất nhiều công trình sai phạm, từ nhà tư nhân cho đến nhà cao tầng, văn phòng. Điều này đang khiến người dân lo ngại vì thực trạng “trên nóng dưới lạnh” hoặc “trên bảo dưới không nghe” khiến cho sai phạm càng ngày càng như “trăm hoa đua nở”.

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh nội dung này.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Ông đánh giá như thế nào trước thực trạng xây dựng trái phép xảy ra hiện nay, nhất là ở các đô thị và đặc biệt là tồn tại tình trạng “trên nóng dưới lạnh”? Sai phạm nhiều, chỉ đạo nhiều nhưng vẫn tồn tại đến mức có thể gọi là “băm nát” quy hoạch thì nguyên nhân do đâu?

Ở tại Hà Nội tôi được biết, Thành ủy Hà Nội và đích thân đồng chí Bí thư Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trong nhiều cuộc họp giao ban, kể cả họp HĐND đã có những ý kiến, chỉ đạo. Tuy nhiên, có thể nói phần ở bên dưới, đặc biệt là cấp quận, cấp phường, xã chuyển biến chậm.

Theo ý kiến của nhiều cử tri và đặc biệt là các cử tri lão thành thì, nó liên quan đến lợi ích. Tức là khi cấp phép hoặc không cấp phép, người ta vẫn xây dựng nhưng có sự lờ đi. Người ta bảo, ở Hà Nội, đội trật tự xây dựng rất tài, thậm chí chỉ cần mở một cửa sổ là họ đã kéo đến, nhưng phạt và cho qua, hoặc chỉ trong thời gian rất ngắn vẫn tiếp tục được xây. Như thế thì chắc chắn là có vấn đề.

Tại sao lại có sai phạm nhưng không xử lý, hoặc tại sao một cửa sổ thì biết nhưng xây dựng cả một cái nhà to, một dãy nhà hàng như phố thay cho bãi đỗ xe thì bao nhiêu năm vẫn tồn tại.

Điều đó chứng tỏ nó có liên quan đến vấn đề về lợi ích theo kiểu “ông mất cẳng giò, bà thò chai rượu”, thậm chí là ăn chia, bảo kê cho nhau.

Năng lực quản lý còn rất yếu và có thể nói, có tình trạng thấy sai phạm ồn ào người ta mới vào cuộc. Năng lực quản lý ở đây, đáng ra bắt đầu từ lúc hình thành dự án, công trình đã phải vào cuộc, xử lý ngay, không để tình trạng sự đã rồi rồi mới nói là xử lý, thậm chí nói là không biết.

Có những câu chuyện ở gần nhưng không biết, hoặc có những câu chuyện để quá lâu như 146 Quán Thánh, bến đỗ xe Ngọc Khánh… câu chuyện cứ kéo dài mãi mà chưa có hồi kết. Vậy năng lực quản lý có vấn đề.

Thứ ba là chưa xử lý nghiêm, nếu xử lý nghiêm sẽ dừng lại và không có câu chuyện vết dầu loang, hôm nay không xử lý ở đây thì chỗ khác họ vẫn tiếp tục làm. Thậm chí người ta nói rằng “chả sợ” vì chỗ đó vi phạm mà chưa xử lý.

Hiện nay, tốc độ đô thị ở Hà Nội quá nhanh, lực lượng quản lý không xuể, xây dựng khắp nơi, xây dựng ngày đêm và cả xây dựng trộm, xây ở những nơi không được phép. Có những chỗ qua một đêm dựng lên cả công trình mà đập phá thì không hề dễ dàng.

Như ông đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, nhưng không lẽ chúng ta bó tay với những công trình sai phạm trật tự xây dựng nhan nhản như hiện nay?

Chúng ta đã có luật quy định trách nhiệm và các biện pháp xử lý, phải thực hiện đúng. Nếu không thực hiện đúng thì phải xử lý lực lượng chức năng.

Vi phạm trật tự xây dựng xảy ra ở địa bàn nào thì phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu. Xử lý được trách nhiệm người đứng đầu, sự việc sẽ êm ngay. Ví dụ chuyển công tác người đứng đầu đi nơi khác, câu chuyện sẽ khác. Anh không gắn liền với lợi ích, bảo kê, người khác lên sẽ xử lý ngay.

Do đó, xử lý người đứng đầu phải được ưu tiên, nó phải được xác định là giải pháp ưu tiên trong giai đoạn hiện nay theo đúng quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ.

Ông nói rất đúng, nhưng lâu nay, trách nhiệm người đứng đầu bị xử lý còn qua loa, chưa đạt hiệu quả như mong đợi?

 Nghị quyết gần đây của Đảng về công tác cán bộ, chỉ đạo của Chính phủ, luật Cán bộ công chức đã có. Tuy nhiên, thực tế có e dè, nể nang trong xử lý nên cũng khó khăn bởi có những vấn đề tế nhị.

Nhưng theo tôi, cán bộ lãnh đạo không nên để quá nhiều việc tế nhị tái diễn xung quanh mình. Chỗ tình chỗ lý nhưng đừng để cái tình lấn át. Bởi quá lý sẽ cực đoan nhưng quá tình thì mềm yếu không xử lý được. Xử lý vụ việc, nhất là sai phạm xây dựng cần có tình có lý nhưng phải cương quyết thì mới có kết quả cao.

Thưa ông, là một người tâm huyết và đã nhiều lần nêu vấn đề “trên nóng dưới lạnh” ra trước diễn đàn Quốc hội, ông có đề xuất gì với các địa phương đang để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng như thời gian gần đây?

 Tôi thấy hiện nay các quy định của pháp luật tương đối đầy đủ, trong đó, có cả quy định về nội dung chuyên môn, thủ tục. Do đó, để hiệu qua thì phải quán triệt kỹ thực hiện, thực thi pháp luật phải xem xét áp đặt các quy định này đúng hay không?

Cần rà soát các quy định liên quan đến xây dựng để thống nhất xử lý từng vấn đề. Hướng dẫn đầy đủ, tập huấn bồi dưỡng giải pháp cho cán bộ thực hiện để quán triệt.

Vận động các tổ chức mặt trận, đoàn thể, ĐBQH, HĐND tham gia vào cuộc để tạo tiếng nói chung. Quá trình thực thi pháp luật phải có chỗ dựa.

Về mặt Đảng phải có chỉ thị quán triệt các cán bộ đảng viên, đưa ra các cuộc họp chi bộ thường xuyên về vấn đề này, để họ tham gia.

Nếu có vấn đề thì nêu và xử lý trách nhiệm gương mẫu của cán bộ địa bàn. Đánh giá tập thể đảng bộ, chi bộ ở ngay địa bàn, có thực hiện tốt vai trò tiền phong gương mẫu, trách nhiệm của người đảng viên hay không?

Lúc ấy mới quay lại kiểm điểm, thanh kiểm tra xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Phải siết chặt trong quản lý, đánh giá cán bộ thường xuyên và hàng năm. Thấy yếu ở khâu nào phải xử lý ngay lỗ hổng của cán bộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Có ăn chia, bảo kê cho sai phạm trật tự xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Ngọc Mai (Thực hiện)

Cùng chuyên mục

Tin mới