Thứ sáu, 29/03/2024 20:50 (GMT+7)

Các thách thức đô thị hóa và nhu cầu về một CT nghị sự đô thị mới

Khánh An -  Thứ ba, 30/01/2018 12:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án “Tăng cường năng lực thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo CDIO trong lĩnh vực hạ tầng môi trường đô thị phù hợp chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và mục tiêu phát triển bền vững”.

Tại buổi Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực thực hiện đổi mới Chương trình đào tạo theo CDIO trong lĩnh vực hạ tầng môi trường đô thị phù hợp chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia và mục tiêu Phát triển bền vững” do Trường ĐH Xây Dựng tổ chức. Giám đốc Công ty UN-HABITAT Việt Nam - TS. Nguyễn Quang đã có bài phát biểu về: “Các thách thức đô thị hóa và nhu cầu về một chương trình nghị sự đô thị mới”.  

Giám đốc Công ty UN-HABITAT Việt Nam - TS. Nguyễn Quang với bài phát biểu về: “Các thách thức đô thị hóa và nhu cầu về một chương trình nghị sự đô thị mới”.  

Đây là một bài tham luận vô cùng ý nghĩa, chỉ ra được những khó khăn và thách thức về tình trạng đô thị hóa trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. TS. Nguyễn Quang cũng đưa ra các chiến lược, cơ hội để Việt Nam có thể phát triển đô thị xanh và bền vững.

Theo TS. Nguyễn Quang, tỉ lệ đô thị hóa ở nước ta đang ở mức 35-37%. Và chúng ta mong muốn tỉ lệ đô thị hóa  này cao hơn 40-50% trong thời gian sắp tới, với mục tiêu đô thị hóa đi đôi với phát triển bền vững. Để thực hiện được tầm nhìn ấy thì chúng ta cần có một mô hình đô thị mới, đây cũng chính là vấn đề của toàn cầu.

Đô thị hóa ở Việt Nam ngày càng tăng nhưng vẫn là một nước có tỉ lệ đô thị hóa thấp trên toàn cầu, kèm theo đó là vô vàn những thách thức về vấn đề đô thị. Thứ nhất là những thách thức về vấn đề môi trường, đô thị hóa là nơi sản sinh ra nhiều khí cacbon nhất, chính vì vậy nó dẫn đến những biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai. Kèm theo đó là chi phí sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ gia tăng, tại các đô thị thì vấn đề ô nhiễm và vệ sinh đô thị cũng đang xuống cấp.

Đô thị hóa ở Việt Nam (ảnh minh họa).

Thách thức thứ hai đối với quá trình đô thị hóa chính là về thể chế. Chúng ta nên chuyển từ chính quyền quản lý sang quản trị với sự tham gia của các đối tượng ngoài Nhà nước. Ra quyết định từ cấp thành phố đến cấp vùng, và yêu cầu tăng cường sự tham gia quá trình đô thị của nhiều bên.

Một thách hức nữa là về vấn đề kinh tế, những tác động của toàn cầu hóa đến thị trường lao động gây ra bất bình đẳng trong thu nhập. Kinh tế phi chính thức tại các thành phố gia tăng nhanh chóng, và thiếu tiếp cận với nhà ở.

Còn về vấn đề nghèo đói và an ninh là do sự di cư bất hợp lý, ồ ạt từ nông thôn ra thành thị, kèm theo đó là sự lan rộng các khu ổ chuột. Tội phạm và vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, nghèo đói tại đô thị ngày càng gia tăng.

Thách thức trong đô thị về vấn đề xã hội, không gian. Sự phân tán, chia cắt mở rộng đô thị thiếu kiểm soát, gia tăng khoảng cách và phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn. Mở rộng các vùng ven đô không theo quy hoạch.

Trước những khó khăn trên thì chúng ta cần có những quy hoạch, chiến lược hướng đến một đô thị xanh, bền vững và một thành phố như chúng ta mong muốn. Để làm được điều đó, trước hết cần giảm việc khai thác cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy năng lực kinh tế và tạo ra môi trường sống tốt, xóa bỏ bất bình đẳng trong xã hội. Thúc đẩy các khu định cư đô thị có mật độ cao.

Các chính sách về phát triển nhỏ gọn theo mô hình “nén” có thể bao gồm: thúc đẩy tái tạo đô thị, phục hồi các khu vực trung tâm, hạn chế phát triển các vùng nông thôn, tăng cường mật độ dân số, phát triển đa chức năng, thúc đẩy giao thông công cộng và tập trung phát triển đô thị tại các nút giao thông công cộng.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, theo TS. Nguyễn Quang: “Chúng ta phải đưa ra các giải pháp xanh và thông minh để giải quyết các thách thức đô thị. Các thành phố cần mô hình phát triển mới sáng tạo hơn và các giải pháp chiến lược nhằm tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, từ tăng trưởng kinh tế thông thường đến tăng trưởng kinh tế sáng tạo và thân thiện với môi trường.

Đưa ra các sáng kiến chiến lược tăng trưởng xanh theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua đầu tư ngày càng tăng trong trong đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên và các công cụ kinh tế. Điều này sẽ góp phần đối phó với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững”.

Một số giải pháp chiến lược trong phát triển đô thị xanh mà TS. Nguyễn Quang đưa ra đó là: cần phải giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Sản xuất xanh (công nghiệp hoá sạch và sử dụng tài nguyên hiệu quả). Cần có một lối sống xanh và khuyến khích tiêu dùng bền vững, từ đó sẽ cải thiện chất lượng môi trường, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động.

Như vậy, để phát triển đô thị xanh với mục tiêu phát triển bền vững, thì chúng ta cần có một chương trình nghị sự đô thị mới, trong đó phải cải tiến quy hoạch để phản ánh tốt hơn nhu cầu xã hội và giảm thiểu cũng như thích ứng với các mối đe dọa trong tương lai. Thúc đẩy cải cách thể chế và quy hoạch hướng đến sự thay đổi lâu dài; đồng thời nỗ lực tạo điều kiện cho các hoạt động của khối xã hội dân sự và các sáng kiến cộng đồng để có thể đem lại thay đổi trong ngắn hạn và trung hạn.

Bạn đang đọc bài viết Các thách thức đô thị hóa và nhu cầu về một CT nghị sự đô thị mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới