Thứ năm, 25/04/2024 22:36 (GMT+7)

Nhiều bất cập khiến khu đô thị mới Thịnh Liệt khó có thể 'tái sinh'

Cẩm Anh -  Thứ tư, 14/11/2018 08:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người dân phản ánh công tác giải phóng mặt bằng Dự án khu đô thị Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) có nhiều bất cập. Việc này kéo dài suốt 14 năm qua, dự án khó có thể triển khai…

Nhiều bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng

Theo thông tin mà PV có được, không ít hộ dân đến nay vẫn chưa đồng ý phương án giải phóng mặt bằng. Các đơn thư khiếu nại, đơn kiến nghị liên tục được gửi đến các cơ quan chức năng nhiều năm qua, bao gồm cả đơn thư vượt cấp.

Vừa qua, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Bùi Thị Tý (trú tại số 5, ngách 141/66, tổ 25, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Khu đô thị mới Thịnh Liệt chậm tiến độ đã nhiều năm.

Theo đó, bà Tý cho rằng “Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt chưa có quyết định thu hồi đất, không có hồ sơ phương án chi tiết trả người dân đã tổ chức cưỡng chế đất để giao cho dự án xây nhà kinh doanh bất  động sản”.

Phương án đề bù chưa đúng, chưa đủ, gia đình bà bị giảm diện tích đất được đền bù ít đi 96m2, các quyền lợi trên đất chưa có phương án giải quyết thỏa đáng…

Bà Tý cũng cho biết, đến thời điểm này, bà mới chỉ nhận tiền đền bù đợt 1 với số tiền hơn 446 triệu đồng cho tổng diện tích đất 1.141,7 m2, áp mức giá 252.000 đồng/m2. Mặc dù, bà Tý chưa nhận tiền đền bù đợt 2 nhưng lại có biên bản bàn giao mặt bằng, sử dụng chữ ký giả mạo.

Bà Bùi Thị Tý. 

Bên cạnh đó, bà Tý còn tố cáo việc ngày 4/4/2018, UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Thịnh Liệt và dự án tổ chức bắt thăm cho các hộ dân được xét mua căn hộ chung cư. Gia đình bà được ông Nguyễn Quang Dũng – Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư số 14 bắt thăm trúng căn hộ CO505 tòa nhà C19 khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Tuy nhiên, thực chất khi đến thăm căn hộ, gia đình bà được biết căn hộ trên đã có người ở từ tháng 1/2018.

14 năm dự án chậm tiến độ, bà Tý đến nay trên 70 tuổi, di chuyển phải dùng đến thiết bị hỗ trợ nhưng vẫn kiên trì đi khắp nơi gửi đơn thư, với mong muốn mọi nguyện vọng chính đáng của gia đình bà được pháp luật bảo hộ, và thực thi.

Tôi chỉ mong gia đình được bồi thường đúng và đủ. Tất cả làm theo đúng quy định của pháp luật, nhanh chóng giải quyết để gia đình tôi yên tâm làm ăn”, bà Tý chia sẻ.

Phản ánh với PV, chị Huỳnh Kim Oanh (trú tại tổ 34, phường Thịnh Liệt) cho biết, chủ đầu tư Licogi ngang nhiên bịt cổng, chặn lối đi của gia đình bà và một số hộ dân khác, trong khi chưa bồi thường đất cho người dân để GPMB tại Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt…

Dự án vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều người dân. 

Được biết, gia đình nhà bà Huỳnh Kim Oanh có ngôi nhà cấp bốn, diện tích 150m2 tại xứ đồng Trạm Bơm, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Đây là thửa đất gia đình bà Oanh mua lại của ông Trịnh Văn Thắng từ năm 2001, có đầy đủ giấy tờ pháp lí về mua bán. Gia đình bà Oanh sinh sống, kinh doanh ổn định trên diện tích đất này từ đó cho đến nay.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, Ban Quản lí dự án của chủ đầu tư Licogi liên tục cho người gây khó dễ cho việc làm ăn của gia đình bà. Chủ đầu tư tự làm Barie ngăn chặn, khiễn xe chở hàng của gia đình bà Oanh đi lại khó khăn. Thậm chí, chủ đầu tư còn tự cho mình quyền cấp giấy ra vào, kiểm soát tất cả xe chở hàng ra vào khu đất của gia đình bà Oanh và nhiều hộ dân khác…

Chủ đầu tư “vườn không nhà trống”, tránh né báo chí

Nhận được phản ánh từ người dân, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã nhanh chóng liên hệ đặt lịch với UBND quận Hoàng Mai và chủ đầu tư dự án hiện tại là Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi (công ty con của Tổng công ty Licigi).

Nội dung trên được UBND quận Hoàng Mai giao Phòng Tài nguyên Môi trường phối hợp Phòng Quản lý Đô thị trả lời báo chí. Tuy nhiên, khéo léo từ chối đề nghị trao đổi trực tiếp công việc của PV, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường – ông Nguyễn Đình Công trả lời chung chung rằng “Trước đây thì có chậm tiến độ, nhưng gần đây chủ đầu tư đang nỗ lực khắc phục rồi”.

PV đề nghị cung cấp thông tin về tiến độ giải phóng mặt bằng, nhưng ông Công cho biết, nội dung trên do Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai phụ trách và đề nghị PV liên hệ đơn vị này để có thông tin chi tiết.

Nhằm có được thông tin khách quan, đa chiều, PV đã trực tiếp đến trụ sở của Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi tại khu đô thị mới Thịnh Liệt để liên hệ công việc. Thế nhưng, cả 3 lần, bảo vệ tại đây đều trả lời không có bất kỳ ai ở cơ quan dù PV đến trong giờ hành chính vào các ngày làm việc trong tuần.

Dù PV đã gửi lại bộ phận bảo vệ đơn vị này giấy giới thiệu công việc của cơ quan kèm theo nội dung làm việc, tuy nhiên, nhiều lần PV liên hệ số máy đường dây nóng đều không có người bắt máy, nội dung đã chuyển cũng không nhận được phản hồi.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Nhiều bất cập khiến khu đô thị mới Thịnh Liệt khó có thể 'tái sinh'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.