Thứ sáu, 19/04/2024 06:35 (GMT+7)

Nhà máy nước sạch Cự Đà nằm sát hai nghĩa trang, nhiều người lo ngại

Phạm Trang - Khánh An -  Chủ nhật, 19/11/2017 07:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo TCQG về thiết kế nghĩa trang đô thị, nghĩa trang phải cách công trình khai thác nước sinh hoạt tập trung tối thiểu 3000m. Tuy nhiên, nhà máy nước sạch Cự Đà lại nằm sát 2 nghĩa trang.

Chất lượng nước có thực sự đảm bảo?

Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ánh của người dân tại thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội về tình trạng nước sinh hoạt được cung cấp bởi nhà máy nước sạch Cự Đà thuộc Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát có màu vàng đục, khiến nhiều người sử dụng hoang mang.

Trước phản ánh của người dân, PV đã có mặt nhằm mục sở thị quy trình xử lý nước tại nhà máy nước sạch Cự Đà.

Quá trình thực địa cho thấy, việc xử lý nước của nhà máy được tiến hành qua quy trình hấp thụ asen, khử Amoni và tiêu diệt vi sinh bằng Javen qua máy điện phân từ muối ăn. Tuy nhiên, điều đáng nói, nguồn nước giếng khoan mà đơn vị này sử dụng lại nằm ngay giữa 2 nghĩa trang của thôn Khúc và thôn Cự Đà.

Theo quan sát của PV, ngay đằng sau nhà máy là hàng trăm ngôi mộ nằm sát khuôn viên của nơi cung cấp nước sạch cho cả nghìn hộ dân, trước cổng nhà máy là mương nước thải từ làng nghề làm miến rong chảy ra sông Nhuệ, bốc mùi hôi thối. 

Nguồn nước giếng khoan ngay giữa nghĩa địa

Trước phản ánh của PV về thực trạng trên, nhiều hộ dân sử dụng nước sinh hoạt từ nhà máy nước sạch Cự Đà tỏ ra rất bức xúc. Anh V.D.Q, một hộ dân sinh sống tại KĐT Thanh Hà Cienco 5 cho biết: "Tôi mới chuyển về đây được mấy tháng, nước sinh hoạt chưa bao giờ dám dùng để ăn uống vì cảm quan nhìn đã thấy rất bẩn rồi, ngoài việc sử dụng để tắm giặt, nước dùng cho ăn uống tôi đều phải cho qua hệ thống lọc mới yên tâm".

"Thực sự rất hoang mang nếu họ khoan nước ở nghĩa trang lên cho người dân sử dụng. Chưa kể nếu là nghĩa trang lâu đời thì nguồn nước ngầm chắc chắn bị ảnh hưởng và ô nhiễm cực nặng. Tới giờ người dân trong KĐT vẫn đang phải chờ nhà máy nước sạch xây mới hoạt động. Từ giờ tới lúc đó chúng tôi vẫn phải sử dụng nguồn nước này" - anh Q bức xúc.

Hình ảnh nước được chụp tại một hộ dân thuộc KĐT Thanh Hà Cienco 5 và PV lấy được từ bể nước sạch của nhà máy 

Trao đổi với PV, một người dân thuộc thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho hay: "Nước sạch này họ cấp từ mấy năm nay rồi, các cô cứ vào nhà dân mở vòi ra xem chứ chúng tôi cũng không biết. Nước này chúng tôi chỉ dùng để tắm giặt, ăn uống vẫn phải dùng nước mưa".

Cũng theo quan sát của PV, nước thải màu vàng đục của nhà máy nước sạch Cự Đà cũng được xả thẳng ra con mương tới sông Nhuệ, kể từ vị trí ống thải của nhà máy, dòng nước trong mương đổ màu vàng kịt.

Nhiều điểm bất thường trong quyết định cho nhà máy hoạt động

Để làm rõ vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với ông Đặng Anh Phương - Chủ tịch UBND xã Cự Khê. Ông Phương cho biết, dự án xây dựng trạm nước sạch đã được tiến hành từ năm 2007.Tuy nhiên, tới năm 2013 dự án mới được đưa vào sử dụng.

"Việc vận hành nhà máy được phê duyệt bởi UBND Thành phố, trước đó, Bộ Khoa học Công nghệ đã tiến hành đo đạc, kiểm tra còn vì sao họ lại phê duyệt cho xây dựng dự án ở khu nghĩa trang thì không thuộc thẩm quyên của xã" - ông Phương trao đổi.

"Sắp tới, UBND thành phố còn chuẩn bị cấp phép cho họ mở rộng quy mô hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân", ông Phương cho biết thêm.

Sau đó, PV đã trao đổi trực tiếp với đại diện công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát, ông Trịnh Hồng Kiên. Tại buổi làm việc, ông Kiên cho biết, nhà máy nước sạch Cự Đà cho đến nay vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, trong quyết định Giao công trình Trạm cấp nước sạch thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội cho doanh nghiệp quản lý lại ghi rõ: "Hoàn thiện các thủ tục liên quan, ký hợp đồng nhận nợ với Quỹ đầu tư phát triển Thành phố theo đúng quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND ngày 14/8/2012 của UBND Thành phố". 

Quyết định của UBND Thành phố cho phép đơn vị vừa hoạt động vừa hoàn thiện hồ sơ?

Lý giải cho điều này, ông Trịnh Hồng Kiên cho biết: "Nếu bây giờ chờ làm xong mọi thủ tục thì sẽ mất rất nhiều thời gian trong khi vấn đề nước sạch ở xã Cự Khê luôn nằm trong điểm nóng. Chính vì thế, UBND Thành phố đã kí quyết định cho phép nhà máy vừa hoạt động vừa hoàn thiện thủ tục. Hiện nay, chúng tôi đã có văn bản đệ trình lên sở Xây dựng và Sở Tài nguyên môi trường chờ phê duyệt".

Về việc kiểm tra mẫu nước thải định kì, ông Kiên cho biết đơn vị vẫn tiến hành thuê đơn vị quan trắc đều đặn tuy nhiên, tại thời điểm làm việc, mẫu quan trắc mới được gửi đi và chưa có kết quả trả về.

Ông Kiên cũng thông tin: "Nước màu vàng chảy xuống mương là chảy từ bể lắng xuống, trong đó chỉ có oxit sắt chứ không có các thành phần gây ô nhiễm, độc hại".

Quá trình quan sát vận hành của nhà máy, PV cũng phát hiện đơn vị này không hề có bể phơi bùn như trong Kế hoạch bảo vệ môi trường đã nêu ra. Lý giải cho điều này, ông Kiên cho biết: "Hiện nay, quỹ đất trong xã có hạn, nếu phải làm bể phơi bùn sẽ mất rất nhiều diện tích mà điều kiện của chúng tôi không cho phép".

"Tuy không có bể phơi bùn nhưng chúng tôi vẫn cho xe chở bùn ướt tập kết đúng nơi quy định". Ông Kiên trao đổi thêm.

Tại thời điểm làm việc, Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát cũng không thể cung cấp Hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại. Ông Kiên cho hay: "Trước giờ chúng tôi vẫn tiến hành chuyển giao chất thải nguy hại cho Công ty Môi trường Thăng Long, tuy nhiên, chỉ thực hiện giao dịch chứ không có hợp đồng?!"

Về khiếu nại của người dân với tình trạng nguồn nước sạch không đảm bảo, ông Trịnh Hồng Kiên đã cung cấp cho PV Kết quả phân tích mẫu nước do Phòng Môi trường và Chất lượng nước, Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ cấp nước và VSMT tiến hành. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng Amoni trong nước vượt quá mức cho phép 4,18/3 mg/l.

Kết quả phân tích mẫu nước có thành phần vượt quá giới hạn cho phép 

Tại KĐT Thanh Hà Cienco5, PV cũng tiếp cận được với phiếu kết quả thử nghiệm do Trung tâm y tế dự phòng tiến hành vào tháng 8/2017 cũng cho thấy 2 chỉ số Pecmanganat và Amoni vượt quá giới hạn cho phép lần lượt 4,2/4 mg/l và 3,1/3 mg/l.

Trước những trao đổi của Chủ tịch UBND xã Cự Khê và Đại diện Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát, dư luận đặt câu hỏi liệu có việc "ưu ái" cho dự án nhà máy nước sạch Cự Đà của UBND Thành phố Hà Nội  có hay không? Và làm thế nào để người dân trong khu vực hết hoang mang với việc sử dụng nguồn nước giếng khoan ngay giữa nghĩa địa?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy nước sạch Cự Đà nằm sát hai nghĩa trang, nhiều người lo ngại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.