Thứ năm, 28/03/2024 16:19 (GMT+7)

Happy Land Đông Anh: Luật sư phân tích rủi ro từ 'hợp đồng góp vốn'

VĂN BÌNH - DUY DƯƠNG -  Thứ bảy, 27/10/2018 10:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, song chủ đầu tư dự án Happy Land Đông Anh đã giao dịch bất động sản bằng các "hợp đồng góp vốn". Vậy hợp đồng này tiềm ẩn rủi ro như thế nào?

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thông tin, dự án Happy Land Đông Anh (có địa chỉ tại tổ 24, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích là 7,47 ha, với 346 lô liền kề.

Hiện tại dự án đang tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, song chủ đầu tư dự án dự án Happy Land Đông Anh huy động vốn bằng hợp đồng góp vốn.

 Theo đó, hợp đồng góp vốn bảo đảm này sẽ được tiến hành giữa: Bên bán là Công ty Cổ phần Phát triển Đông Anh (Bên A) và bên mua là khách hàng (Bên B).

Mục tiêu của bản hợp đồng góp vốn bảo đảm để bên B mua sản phẩm của dự án. Hợp đồng cũng thể hiện rõ: “Đế được mua sản phẩm của dự án, bên B đồng ý chuyển khoản tiền góp vốn bảo đảm cho bên A theo quy định của điều 2 hợp đồng này”.

Mẫu hợp đồng góp vốn mà nhân viên bán hành cung cấp cho PV.

Pháp luật hiện hành đang có rất nhiều những quy định chặt chẽ trong việc việc này để bảo vệ người tiêu dùng như Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

Chính vì vậy, trước thực trạng đang diễn ra tại dự án Happy Land Đông Anh rất nhiều những chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực bất động sản đã bày tỏ quan điểm đáng lo ngại về những rủi ro mà khách hàng có thể sẽ gặp phải.

Hợp đồng như vậy sẽ bị vô hiệu?

Để bảo vệ quyền lợi và tránh những rủi ro cho khách hàng khi tham gia kí kết vào bản hợp đồng góp vốn của Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã tham vấn ý kiến của Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật INTECO.

Phân tích về những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải Luật sư Hà Huy Phong cho rằng: Theo quy định tại Điều 69 Luật Nhà ở 2014, các nguồn vốn  phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại bao gồm vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư; Vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; Tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.

Đối với nguồn vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân “Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở (Khoản 2, Điều 19, Nghị Định 99/2015/NĐ-CP).

Từ cơ sở pháp lý này Luật sư đã khẳng định: “Trường hợp ký hợp đồng huy động vốn không đúng với quy định nêu trên thì không được pháp luật công nhận, chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho người tham gia góp vốn”.

Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật INTECO.

Phân tích kỹ hơn về những rủi ro của bản hợp đồng góp vốn, Luật sư đã đặt ra hai giả định như sau:

Thứ nhất: Trước thời điểm bàn giao nhà, chủ đầu tư được phép thế chấp dự án và nhà hình thành trong tương lai cho tổ chức tín dụng để vay vốn. Do đó, nếu người mua nhà góp tiền cho chủ đầu tư với kỳ vọng nhận quyền mua nhà, nhưng thực chất dự án và nhà đó đã thế chấp cho ngân hàng, nên nếu chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì dự án và tài sản sẽ bị kê biên nên người góp vốn sẽ rơi vào tình trạng "thả gà ra đuổi", vì phải đi kiện chủ đầu tư để đòi lại tiền chứ không đòi được sản phẩm là nhà.

 Thứ hai: Do bản thân những hợp đồng góp vốn như vậy thường là vô hiệu do vi phạm quy định của pháp luật nên nếu xảy ra tranh chấp thì quyền lợi của người góp vốn không đảm bảo. Tiền thì chủ đầu tư đã chiếm hữu trên thực tế, nên người góp vốn phải  tiêu tốn nhiều thời gian để đi kiện đòi mà không biết bao giờ mới có thể thu hồi lại.

Chính vì thế, Luật sư Phong cho rằng, trước tiên khách hàng cần thận trọng, tìm hiểu thật kĩ về dự án trước khi quyết định xuống tiền. Đồng thời, các cơ quan nhà nước, chính quyền, lực lượng chức năng chuyên môn liên quan của UBND Thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh, thị trấn Đông Anh cũng cần vào can thiệp kịp thời để nhằm hạn chế những rủi ro cho khách hàng và thể hiện tính thượng tôn của luật pháp.

 Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Happy Land Đông Anh: Luật sư phân tích rủi ro từ 'hợp đồng góp vốn'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới