Thứ ba, 23/04/2024 21:49 (GMT+7)

Hạ thấp quy chuẩn PCCC: Xảy ra cháy thì ai chịu trách nhiệm?

MTĐT -  Thứ năm, 05/04/2018 10:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến việc TP Hà Nội đề xuất hạ quy chuẩn PCCC, các chuyên gia khẳng định, không thể hạ tiêu chuẩn, nếu các công trình không đủ điều kiện PCCC thì cần phải tìm ra giải pháp khắc phục.

Sau sự cố cháy tại tòa nhà Carina Plaza (TP. HCM) khiến13 người thiệt mạng đã dấy lên những lo ngại về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu chung cư.

Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, hàng loạt cư dân ở các tòa nhà chung cư Hà Nội liên tục căng băng rôn để gây sức ép với chủ đầu tư đòi khắc phục những bất cập của hệ thống PCCC.

Nhưng mới đây UBND TP Hà Nội lại xin hạ chuẩn cho các chung cư không thể khắc phục. Giải pháp này của Hà Nội đã nhanh chóng gây ra như ý kiến trái chiều trong dư luận. Câu hỏi đặt ra là, tại các công trình hạ thấp quy chuẩn về PCCC, an toàn tính mạng của người dân sẽ như thế nào nếu có chẳng may có cháy nổ xảy ra.

Trong số những tòa nhà xin hạ chuẩn PCCC của Hà Nội có tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở số 88 Tô Vĩnh Diện (quận Thanh Xuân); nhà ở chung cư cao tầng kinh doanh (46/230 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng); chung cư 89 Phùng Hưng (phường Phúc La, quận Hà Đông); tòa CT1, CT2, CT3, CT4 Xa La (khu đô thị Xa La, quận Hà Đông)...

UBND Hà Nội cho rằng, trước năm 2011, ý thức chấp hành pháp luật PCCC của chủ đầu tư còn yếu kém, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định, cấp phép xây dựng, thẩm duyệt thiết kế PCCC hạn chế. Nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện yêu cầu về giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn về PCCC, thiết kế thang bộ thoát nạn, hệ thống chống tụ khói công trình.

Hà Nội đề nghị hạ quy chuẩn PCCC với 17 chung cư vi phạm. Ảnh: Internet.

Lý giải việc đề xuất giảm bớt tiêu chuẩn PCCC, UBND thành phố cho biết, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy có nêu trong một số trường hợp riêng biệt, Bộ Xây dựng cho phép giảm bớt một số quy chuẩn đối với công trình cụ thể, khi có giải pháp thay thế và được sự thẩm duyệt bởi Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an).

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đưa ra 10 nhóm giải pháp, tương ứng với nhóm chung cư có cùng vấn đề phải giải quyết.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Lao động, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, chính quyền đang tìm cách né tránh trách nhiệm cho sự quản lý yếu kém của mình.

Theo TS Liêm, khi chính quyền cho phép xây toà chung cư thì ngay đã phải phê duyệt thiết kế về PCCC. Khi xây dựng thì phải giám sát chủ đầu tư thực hiện việc này, phải nghiệm thu PCCC trước khi dân vào ở. Và với những chung cư không đủ tiêu chuẩn thì phải khắc phục, như tăng cường thiết bị PCCC, xây thêm lối thoát hiểm… chứ không thể nói hạ tiêu chuẩn.

“Vậy nếu hạ tiêu chuẩn mà xảy ra cháy nổ thì ai chịu trách nhiệm? Điều này là khó chấp nhận” - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đặt câu hỏi.

Trong khi đó, trao đổi với báo CAND, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, khi phê duyệt, cấp phép dự án chung cư cao tầng bắt buộc cơ quan chức năng phải yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn PCCC.

Công trình nào không đảm bảo PCCC thì phải xử lý ngay từ khi dự án hình thành. Ông Trần Chủng nhấn mạnh, không thể hạ thấp quy chuẩn về PCCC, an toàn sinh mạng của con người tại các chung cư.

Tuy nhiên, nếu các công trình không đủ điều kiện đảm bảo về PCCC thì cần phải tìm ra giải pháp về kỹ thuật đáp ứng những yêu cầu tối thiểu về quy chuẩn  PCCC và được cơ quan chức năng đồng ý. Ví dụ như cầu thang thoát hiểm có thể xây ra bên ngoài tòa nhà.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, Trung tướng Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, sau khi lên danh sách "điểm đen", chúng tôi sẽ đề xuất với những nhà xây trước khi có Luật phòng cháy chữa cháy thì giao trách nhiệm xử lý cho UBND cấp tỉnh, tất nhiên lực lượng phòng cháy chữa cháy là nòng cốt.

Trung tướng Bùi Văn Thành (mũ đỏ) xuống tầng hầm chung cư Carina kiểm tra, tìm nguyên nhân vụ cháy. Ảnh: VNE.

Nếu số lượng lớn, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng thực trạng và quy mô mất an toàn, đề xuất giải pháp căn cơ để Chính phủ vào cuộc. Các toà nhà không đủ điều kiện và không thể khắc phục của Hà Nội nằm trong nhóm này.

Còn những nhà xây sau khi có Luật phòng cháy chữa cháy mà không đủ điều kiện an toàn cháy nổ thì trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà. Chủ đầu tư phải khắc phục trong thời hạn nhất định, nếu không khắc phục được thì có các chế tài xử lý triệt để.

Đáng chú ý, ông Thành cũng khẳng định, không hạ chuẩn phòng cháy chữa cháy. Nhưng đối với công trình xây dựng trước khi có luật không có thang thoát hiểm, thì không xây mới được nên đầu tư phải có lộ trình. Chúng tôi sẽ có giải pháp và mong mọi người, người dân cùng đồng hành.

Bà con có thể yên tâm sống trong các tòa nhà chung cư nếu tòa nhà đó đủ điều kiện an toàn. Nhưng một yếu tố rất quyết định là ý thức của mọi người. Với kinh nghiệm 30 năm làm công tác phòng cháy chữa cháy, tôi khẳng định, nếu mọi người cùng hợp tác thì chúng ta có thể ngăn chặn sự gia tăng các vụ cháy. Còn để một cơ quan phòng cháy chữa cháy, một mình chủ đầu tư thì không làm được.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hạ thấp quy chuẩn PCCC: Xảy ra cháy thì ai chịu trách nhiệm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới