Thứ bảy, 20/04/2024 02:51 (GMT+7)

Cải tạo hơn 1.500 chung cư cũ ở Hà Nội: Không thể chờ vào ngân sách

MTĐT -  Thứ tư, 17/10/2018 11:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP. Hà Nội vừa gửi Bộ Xây dựng báo cáo việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ trên địa bàn, trong đó cho rằng quy định việc Nhà nước cải tạo chung cư cú theo hình thức BT là chưa phù hợp.

Nhiều vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ

Liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội, theo Thế giới tiếp thị đưa tin, UBND TP. Hà Nội vừa gửi Bộ Xây dựng báo cáo việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ trên địa bàn, trong đó cho rằng quy định việc Nhà nước thực hiện cải tạo xây dựng mới chung cư cũ bằng nguồn vốn nhà nước (hoặc theo hình thức BT) là chưa phù hợp.

Theo thống kê, hiện Hà Nội có tới 1.579 chung cư cũ, tập trung ở 76 khu với 1.273 chung cư và 306 chung cư riêng lẻ với quy mô từ 2 - 5 tầng. Trong số đó có khoảng 42 chung cư ở 5 quận được đánh giá cấp độ nguy hiểm trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần phải di dân gấp. Ngoài ra, còn hàng trăm khu chung cư khác đã xuống cấp cần phải cải tạo.

Đa số các chung cư cũ nói trên đã hết niên hạn sử dụng và phân bố tại 4 quận nội thành cũ, hiện đã có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng.

Nếu động đất với cường độ 4 – 5 richter có thể gây sụp đổ hàng loạt các chung cư cũ. Hiện có khoảng 30 nghìn hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ 4 – 5 tầng.

Hà Nội đang tồn tại hơn 1.500 chung cư cũ cần cải tạo. Ảnh: Internet. 

Tuy nhiên, việc cải tạo chung cư cũ lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến nay, Hà Nội mới thực hiện cải tạo được 26 chung cư theo khung quy hoạch trong số 1.579 chung cư cũ.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, khó khăn hiện nay về quy định việc Nhà nước thực hiện cải tạo xây dựng mới chung cư cũ bằng nguồn vốn Nhà nước (hoặc theo hình thức BT - Hợp đồng xây dựng – chuyển giao) là chưa phù hợp, vì việc bảo trì hoặc cải tạo xây dựng lại nơi ở của mình thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu được quy định tại Điều 87 của Luật Nhà ở 2014. Ngoài ra, thành phố cần nguồn vốn lớn, thời gian dài nếu không xã hội hóa vì có tới 1.579 nhà chung cư cũ trên địa bàn.

Hà Nội cũng cho biết, trước đây, đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, thành phố phải sử dụng một lượng lớn tiền ngân sách để thực hiện trong khi nguồn vốn ngân sách của thành phố còn hạn hẹp.

Việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo cơ chế, chính sách của thành phố chưa được người dân đồng thuận (nhất là các hộ tại tầng 1); chủ đầu tư phải thương lượng, hỗ trợ thêm theo thỏa thuận với các hộ dân theo hướng tăng hệ số (k) lớn hơn quy định làm diện tích sàn nhà ở và dân số hiện trạng tăng cao gây áp lực lớn về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, việc cải tạo xây dựng mới từng nhà chung cư cũ trên vị trí cũ của từng tòa nhà dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu của quy hoạch chỉnh trang đô thị toàn khu, không khai thác được không gian đô thị, hệ thống giao thông phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đô thị.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc, UBND TP. Hà Nội từng kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế để thực hiện cải tạo từng chung cư riêng lẻ, thay vì phải lập dự án cải tạo toàn khu như trước đây. Trong 28 chung cư cũ mà thành phố mời gọi doanh nghiệp cải tạo và xây dựng mới, đã có 18 nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Không nên chờ vào ngân sách

Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với báo Đại biểu nhân dân, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, đã gần 30 năm đặt ra vấn đề cải tạo nhưng đến nay tiến độ cải tạo các khu chung cư này vẫn rất chậm. Trong đó, Hà Nội mặc dù là thành phố có nhiều cơ chế, chính sách nhưng mới chỉ thực hiện cải tạo được 10% nhà chung cư cũ.

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, mặc dù Nhà nước, chính quyền địa phương đã ra nhiều văn bản thể chế khá cụ thể và đặt ra quyết tâm rất lớn, nhưng giải pháp trong cơ chế chính sách chưa được đồng bộ, đặc biệt là chưa có sự đồng thuận của người dân. Đơn cử như vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư chưa được giải quyết thỏa đáng.

Còn theo PGS., TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng tác động rất lớn vào tiến độ cải tạo chung cư cũ là việc thu hút các nhà đầu tư.

Phải huy động nguồn vốn từ xã hội hóa: Internet. 

Đánh giá về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị nông thôn Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, Nhà nước đang thúc đẩy sự vào cuộc của các nhà đầu tư trong vấn đề này nhưng lại gặp bất cập về lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân... Để có lợi nhuận, hầu hết các chủ đầu tư đều mong muốn xây thêm tầng cao để tăng diện tích mặt sàn. Nhưng quy hoạch lại khống chế về dân số, độ cao của tòa nhà khiến chủ đầu tư không tạo ra quỹ sàn mới để bù đắp chi phí.

TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ không chỉ trông chờ vào vốn ngân sách mà phải huy động các nguồn lực xã hội nhưng việc huy động này phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. 

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cải tạo hơn 1.500 chung cư cũ ở Hà Nội: Không thể chờ vào ngân sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...