Thứ sáu, 29/03/2024 22:26 (GMT+7)

7 điểm nghẽn của thị trường bất động sản là gì?

Huy Nguyên -  Thứ tư, 14/11/2018 13:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của HoREA, thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay đang có nhiều điểm nghẽn gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM.

Vừa qua, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã có văn bản số 139/CV-HoREA về báo cáo tình hình thị trường BĐS 10 tháng đầu năm 2018 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, ổn định, lành mạnh và bền vững.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đã chỉ ra 7 điểm nghẽn đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM.

Thị trường bất động sản TP.HCM tồn tại 7 “điểm nghẽn” chính khiến ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Điểm nghẽn đầu tiên là điểm nghẽn về chấp thuận chủ trương đầu tư:

Việc cơ quan nhà nước chưa giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư đối với  các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng để thực hiện dự án BĐS là điểm nghẽn đầu tiên trong các điểm nghẽn của thị trường BĐS hiện nay.

Chấp thuận chủ trương đầu tư là bước đi đầu tiên phải đạt được để thực hiện tiếp các bước triển khai dự án. Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn (bao gồm cả vốn vay, vốn huy động) để giải phóng mặt bằng và thực hiện các nguồn vố đầu tư. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm sản phẩm nhà ở, sụt giảm nguồn cung căn hộ vừa túi tiền, sụt giảm giao dịch BĐS.

Nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay tăng cao, dễ dẫn đến bị rơi vào nhóm nợ xấu, mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Tiếp theo là điểm nghẽn giải phóng mặt bằng:

Công tác giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn do doanh nghiệp khó đạt được thỏa thuận với tất cả người sử dụng đất nền dễ bị rơi vào tình trạng dở dang “da báo” không triển khai dự án được, bị chôn vốn kéo dài, không có đất quỹ đất để đủ điều kiện được công nhận chủ đầu tư dự án và cũng là một nguyên nhân làm giảm các dự án BĐS trung cấp và bình dân.

Riêng các dự án BĐS cao cấp ít bị ảnh hưởng là do các chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn quỹ đất và nguồn lực tái chính từ các năm trước. Cần có cơ chế hiệp thương, thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sử dụng đất trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của mỗi bên.

Điểm nghẽn tiền sử dụng đất:

Theo phương thức và quy trình tính tiền sử dụng đất hiện nay thì tiền sử dụng đất vẫn là “ẩn số”; là “gánh nặng” và tạo ra cơ chế “xin-cho”, làm cho quá trình tính tiền sử dụng đất dự án bị kéo dài gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và làm thất thu ngân sách nhà nước do tình trạng “cưa đôi, cưa ba”. Đây cũng là một nguyên nhân gây ách tắc dự án do chưa đủ điều kiện triển khai tiếp.

Điểm nghẽn chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án BĐS:

Trong 10 tháng đầu năm 2018, mới có 15/23 hồ sơ chuyển nhượng dự án được chấp thuận. Do vậy, chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới có năng lực thay thế chủ đầu tư cũ để khởi động lại các dự án đã bị ngừng triển khai, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án, có thêm nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng đã có hơn 500 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, bị "đắp chiếu, trùm mền", là "hàng dự án tồn kho", nhưng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.

Điểm nghẽn do chưa có quy định về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng – chuyển giao BT:

Để triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 "Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công"; Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 "Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công"; Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/05/2018 "Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư".

Nhưng do chưa ban hành Nghị định mới để thay thế Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ "Quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao" nên trên thực tế, kể từ ngày 1/1/2018 đến nay, đã có khoảng trống pháp lý do còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Dự án BT.

Điểm nghẽn tín dụng:

Sau khi kết thúc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, đến nay gần như vẫn chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014.

Cùng với đó, trong thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có BĐS. Mức trần này sẽ giảm còn 40% kể từ 01/01/2019; Tỷ trọng cho vay BĐS đang chiếm 7,5% tổng dư nợ tín dụng. Tại TP.HCM, tỷ trọng này là 10,8% cao hơn mức bình quân của cả nước. Điều này tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống tín dụng và cả doanh nghiệp BĐS.

Và cuối cùng là điểm nghẽn thủ tục hành chính:

Hiện các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính và kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh .

Nhưng trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn còn rất nhiêu khê và đã xuất hiện hiện tượng một số cán bộ, công chức Nhà nước, sở, ngành thành phố có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, không dám đề xuất vì sợ trách nhiệm dẫn đến việc thẩm định, phê duyệt dự án của doanh nghiệp bị gây khó, hồ sơ bị chuyển lòng vòng, tốn nhiều thời gian và chi phí, thậm chí mất cả cơ hội kinh doanh. 

Bạn đang đọc bài viết 7 điểm nghẽn của thị trường bất động sản là gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới